Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư phải kèm chế tài xử lý

Việt Tuấn| 05/06/2018 07:08

(HNM) - Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện chính sách thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.

Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thông thoáng cho doanh nghiệp. Ảnh: Linh Ngọc


Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, những năm qua, TP Hà Nội rất chú trọng thu hút đầu tư. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút hơn 400.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách. Hằng quý, các sở, ngành của thành phố, hiệp hội doanh nghiệp đều rà soát, tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (lĩnh vực thuế, bảo hiểm, đất đai, nguồn vốn, lao động…), đề xuất UBND thành phố giải pháp tháo gỡ.

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu lớn về vốn nhưng lại khó tiếp cận các nguồn tài chính, cùng với việc thiếu nguồn nhân lực, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh kém. Ngoài ra, chi phí đầu vào tại Hà Nội như thuê đất, mặt bằng sản xuất, nhân công, nguyên vật liệu thường cao hơn một số địa phương lân cận là: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… Do vậy, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hà Nội, song khó phát triển, có xu hướng dịch chuyển sang các vùng lân cận để hoạt động và mở rộng.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn giãn, hoãn, gia hạn, giảm nghĩa vụ tài chính cho hàng trăm doanh nghiệp. Đặc biệt, 4 năm qua, thành phố đã hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho gần 20 doanh nghiệp với số tiền hơn 37 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhờ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nên Hà Nội đã kêu gọi được 22 doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống nước sạch trên địa bàn, dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành, đạt tiêu chí "nước có thể uống tại vòi". Đây là lĩnh vực vốn rất khó thu hút đầu tư, bởi doanh nghiệp “bỏ tiền tỷ, thu tiền lẻ”, nhưng thành phố đã thành công nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ (tăng cường đối thoại; đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục; kết nối doanh nghiệp với các nhà máy nước, ngân hàng để hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 1 đến 2%...).

Tăng cường hậu kiểm

Bên cạnh những kết quả tích cực, đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố vừa qua cho thấy, công tác hậu kiểm các doanh nghiệp vốn ngoài ngân sách vẫn chưa kịp thời. Theo các đại biểu HĐND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ tham mưu cho thành phố phê duyệt các dự án đầu tư, nhưng chậm kết nối thông tin, nắm bắt diễn biến của doanh nghiệp sau đầu tư và phối hợp hậu kiểm. Đáng lưu ý, Sở không phân loại được các dự án chậm; không có số liệu sau thanh tra đã kiến nghị thu hồi được bao nhiêu dự án; buông lỏng việc giám sát sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 418 dự án chậm triển khai, trong đó có hơn 100 dự án chậm triển khai từ năm 2012 đến nay.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, quan điểm chung của thành phố là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng thành phố cũng phải thể hiện thái độ kiên quyết với những nhà đầu tư không đủ năng lực. Con số các dự án chậm triển khai là đáng báo động, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu thực sự chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải đề xuất, kiến nghị thu hồi. Sở dĩ các đại biểu HĐND TP Hà Nội lo lắng trước vấn đề hậu kiểm sau đầu tư là vì, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án có quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư hàng chục năm trước, nhưng đến nay đất vẫn bỏ hoang, đặc biệt là vẫn chưa được thanh tra, kiến nghị thu hồi. “Đây là bài học của việc thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2008. Vì vậy, các cơ quan chức năng, nhất là các sở, ngành của thành phố cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động sau đầu tư, nhằm hạn chế thấp nhất việc doanh nghiệp chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai” - bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị, sau thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành của thành phố cần công khai danh mục các chủ đầu tư, dự án đang chậm tiến độ trên Cổng thông tin điện tử của thành phố. Qua đó, vừa tạo hành lang tốt nhất cho các chủ đầu tư, nhưng cũng phải đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư với Nhà nước. Trong đó, các sở, ngành cần đề xuất thành phố thu hồi những dự án chậm triển khai nhiều năm, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư phải kèm chế tài xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.