Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh vật tư nông nghiệp: Rà soát, quản lý chặt

Ngọc Quỳnh| 06/06/2018 07:23

(HNM) - Vừa qua, các ngành chức năng đã bắt và tiêu hủy gần 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc, cho thấy tình trạng vi phạm về vật tư nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là việc kiểm tra, quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vật tự nông nghiệp còn nhiều bất cập. Ngành Nông nghiệp đã yêu cầu rà soát, quản lý chặt mặt hàng này, từ khâu khảo nghiệm đến tiêu thụ, sử dụng.

Lực lượng chức năng niêm phong số thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.


Bất cập từ quản lý đến sử dụng

Thời gian qua, ngành bảo vệ thực vật phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (A86, Bộ Công an), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là hàng giả, hàng kém chất lượng. Hằng năm, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tiêu hủy từ 2 đến 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Mới nhất, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiêu hủy gần 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc, không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, việc quản lý vật tư nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức do số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục hiện nay mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Trong khi đó, tình trạng buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật ở các tỉnh biên giới diễn biến phức tạp; đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn xé lẻ lô hàng, thuê người vận chuyển qua đường mòn, rồi chở bằng xe đạp đến bán tại các chợ dân sinh, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực tế, các ngành chức năng còn phát hiện nhiều loại thuốc diệt chuột, diệt ốc và trừ cỏ có thành phần độc tố thuộc nhóm rất độc.

Cũng theo ông Hoàng Trung, đối với sản xuất, kinh doanh phân bón, việc mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm (chủ yếu là phân bón vô cơ chiếm 90,8%; phân bón hữu cơ, phân bón sinh học chiếm 9,2%) cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. Dự kiến phải đến tháng 9-2018, Bộ NN&PTNT mới hoàn thành việc công nhận lưu hành đối với 20.000 sản phẩm phân bón.

Mặc dù gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, nhưng việc lạm dụng thuốc hóa học và phân bón vô cơ vẫn đáng báo động. Điều này dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, toàn huyện có 102 cơ sở vật tư nông nghiệp, việc quản lý chất lượng ở các cơ sở này còn khó khăn do số lượng cơ sở nhiều nhưng nhỏ, lẻ, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động; trong khi đó, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, mới dừng ở nhắc nhở, cảnh cáo. Cán bộ phụ trách quản lý vật tư nông nghiệp từ huyện tới các xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả quản lý thấp...

Rà soát, tuân thủ các quy định về quản lý

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương sẽ rà soát, quản lý chặt vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng; hoàn thiện căn cứ khoa học để loại bỏ khỏi danh mục những vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường... Mục tiêu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp (để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm); tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký và sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng, chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp thông qua việc rà soát, chỉ định các phòng thử nghiệm, các tổ chức chứng nhận hợp quy và công nhận các tổ chức khảo nghiệm đủ điều kiện nhằm quản lý tốt chất lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp phối hợp với Bộ NN&PTNT trong vấn đề phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và nông dân.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, để quản lý chặt chẽ mặt hàng vật tư nông nghiệp, trước hết cần củng cố, kiện toàn và có cơ chế giám sát về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm tính công khai, minh bạch; cùng với đó, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra từ trung ương tới địa phương, để bảo đảm việc tuân thủ các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp trong tất cả các khâu: Khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm việc kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không có tên trong danh mục lưu hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh vật tư nông nghiệp: Rà soát, quản lý chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.