Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều

Theo TTXVN| 10/06/2018 16:28

Ngày 10-6, tại quảng trường Thanh Bình, huyện Thanh Hà, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN


Đây là lần đầu tiên, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, khai thác tối đa những giá trị kinh tế từ vải thiều - một loại quả đặc sản của tỉnh Hải Dương, đến các tỉnh, thành trong cả nước và thị trường quốc tế.

Lễ hội cũng là dịp để kết nối người nông dân sản xuất, kinh doanh vải thiều nói riêng và nông sản nói chung với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chế biến, thu mua, xuất khẩu, tiêu thụ vải, nông sản.

Tham dự lễ hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước và hơn 300 doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vui mừng khi quả vải thiều của Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương trồng vải cần quan tâm ứng dụng công nghệ tiên tiến, các thành tựu khoa học, kỹ thuật để chăm sóc, sơ chế, bảo quản quả vải thiều ngày càng có chất lượng cao hơn. Đồng thời lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước phải hỗ trợ người nông dân để quảng bá, tiếp thị hình ảnh, giá trị của quả vải thiều.

Phó Thủ tướng yêu cầu, huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung bên cạnh việc sản xuất, xúc tiến thương mại cho quả vải thiều thì cần gắn với việc phát triển cả văn hóa, du lịch nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Để từ đó thời gian tới, du lịch Hải Dương sẽ góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Đánh giá cao việc Hải Dương lần đầu tiên tổ chức lễ hội vải thiều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, việc chăm lo, sản xuất nông nghiệp là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc tôn vinh quả vải thiều, lễ hội chính là dịp để tôn vinh người nông dân, tôn vinh nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Từ đây, sẽ hình thành cung cách mới trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi phát triển từ vùng nguyên liệu, chế biến, tổ chức thị trường theo hướng lựa chọn những đối tượng có lợi thế chuyên biệt từ cấp xã đến cấp tỉnh, cấp quốc gia. Khi sản xuất thì phải ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất chuỗi không chỉ chú ý đến vùng nguyên liệu mà phải chú ý đến cả quy trình canh tác để tạo ra những sản phẩm sạch nhất, tốt nhất và phải tổ chức tốt thị trường tiêu thụ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển truy xuất nguồn gốc vải thiều Thanh Hà trên điện thoại. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN


Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, theo các tài liệu cổ, vải thiều đã được trồng tại huyện Thanh Hà cách đây khoảng từ 200-300 năm. Vải thiều Hải Dương có những tính chất đặc thù như: vỏ quả màu đỏ tươi khi chín, vỏ gián đều, bề mặt phẳng, cùi màu trắng trong, dày, giòn. Khi bóc vỏ thì không bị chảy nước, để nước dính tay. Vải thiều Hải Dương có vị ngọt thanh, mát, không chua, không chát, có hương thơm nhẹ. Trọng lượng trung bình chỉ khoảng 20,8 gram/quả và đường kính trung bình là 3,37 cm.

Từ vùng đất Thanh Hà, vải thiều được nhân giống ra trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước. Vải thiều ra hoa vào tháng 3 và chín vào tháng 6. Thời điểm vải chín rộ thường bắt đầu từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 7 dương lịch. Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đồng thời, được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 và được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các yêu cầu cho xuất khẩu.

Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt khoảng 10.500 ha tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Dự kiến, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 40.000 tấn), đặc biệt sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.

Để hỗ trợ cho người nông dân, trong những năm qua, Hải Dương đã tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản. Thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ các sản phẩm vải thiều nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hợp đồng thu mua đã được ký kết; sản phẩm vải thiều và nông sản của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, vải thiều Thanh Hà đã vươn xa, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Nhật Bản… Hàng năm, người dân huyện Thanh Hà thu nhập từ vải thiều khoảng 400 - 500 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng của Thanh Hà.

Du khách đến với Lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ được tham gia nhiều hoạt động như đi thăm quan cây vải Tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà; thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP; trải nghiệm quá trình hái vải tại các vườn vải ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh; đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương, huyện Thanh Hà..

Nhân lễ hội vải thiều, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng mang đến những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của mình như: Rươi, cáy ở Tứ Kỳ, ổi Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi Kinh Môn…

Tại lễ hội, 8 doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ nông sản lớn trong cả nước như: Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Đồng Giao, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh... đã ký hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ nông sản với đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, cơ sở phân phối trong tỉnh.

Trong khuôn khổ lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng một số đại biểu đã cắt băng xuất hành 3 container vải tới khu chế biến của Công ty CP Giải pháp và Thương mại ABA tại huyện Mê Linh (Hà Nội) để xuất khẩu sang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.