Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng nhu cầu cung cấp điện

Mai Linh| 19/06/2018 10:19

Tỉnh Điện Biên có nguồn nước mặt tập trung theo 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông MeKong; địa hình chia cắt, sông suối nhiều và có độ chênh lệch lớn về dòng chảy, tạo ra thủy năng mạnh, thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ...


Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã có chủ trương đầu tư phát triển thủy điện, như: Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích kích cầu các nhà đầu tư… Tuy nhiên, hiện nay đa số các dự án thủy điện nằm trong quy hoạch đều triển khai chậm tiến độ so với thời gian được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu và phải điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nhiều lần. Trong các dự án đang thi công, thời gian trung bình triển khai mỗi dự án kéo dài trên 7 năm; đặc biệt có dự án kéo dài trên 10 năm, như: Dự án Thủy điện Nậm Pay, Thủy điện Sông Mã 3. Đối với các dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục để khởi công (7 dự án), có những dự án kéo dài thời gian chuẩn bị lên đến 9 năm, như: Thủy điện Long Tạo, Thủy điện Mường Mươn…

Ngày 7-4-2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2154/QĐ-BCT phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Thủy điện nhỏ toàn quốc. Theo đó, đã bổ sung Quy hoạch 15 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với tổng công suất lắp máy 151,9MW. Tại quyết định này cũng nếu rõ, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện được điều chỉnh, bổ sung theo quyết định này ngoài việc phải phù hợp với các quy hoạch: Phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, đảm bảo an ninh quốc phòng thì còn phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, đồng bộ với tình hình phát triển phụ tải và tiến độ đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trong khu vực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong 15 dự án bổ sung tại Quyết định 2154/QĐ-BCT của Bộ Công Thương từ năm 2008, đến nay mới chỉ có 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành là Thủy điện Nậm He 1- công suất 16MW, Thủy điện Nậm Mức- 44MW (huyện Mường Chà), Thủy điện Trung Thu-30MW, Thủy điện Nậm Núa-10,8MW (TP Điện Biên Phủ) với tổng công suất 100,8MW; Dự án Thủy điện Sông Mã 3 – 29,5MW (Điện Biên Đông) đang triển khai xây dựng.

Việc triển khai chậm tiến độ các dự án thủy điện nhỏ, rõ ràng đã ảnh hưởng đến triển khai xây dựng lưới điện truyền tải và phân phối theo quy hoạch đã phê duyệt của Bộ Công Thương.

Theo diễn biến nhu cầu tiêu thụ điện năng của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ điện năng của tỉnh chủ yếu vẫn là ánh sáng sinh hoạt, năm 2010 điện cho quản lý tiêu dùng dân cư chiếm 56,5%, điện cho công nghiệp xây dựng chiếm 31,3%, các thành phần phụ tải khác như nông nghiệp, thương mại dịch vụ và các hoạt động khác chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tiêu thụ điện. Trong khi đó, đến năm 2015, tỷ trọng điện cho công nghiệp xây dựng giảm xuống 30,4%, điện cho quản lý tiêu dùng dân cư giảm xuống 53,5%, ở đây có sự gia tăng của thành phần dịch vụ thương mại tăng lên từ 3,92% năm 2010 lên 6,1% năm 2015. Về tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 11,6% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc (11,2%), trong đó thành phần phụ tải công nghiệp xây dựng là tăng trưởng với tốc độ 10,9%/năm, thành phần phụ tải quản lý tiêu dùng dân cư tăng trưởng với tốc độ 10,4%/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của thành phần dịch vụ thương mại tăng trưởng cao là 21,9%/năm song thành phần này chiếm tỷ trọng thấp.

Trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ, Bộ Công Thương- cơ quan phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên tính toán lưới điện hiện tại, xác định phân bổ công suất và tổn thất về kỹ thuật trong lưới điện, kiểm tra khả năng mang tải thực tế, khả năng khai thác của các đường dây, máy biến áp cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật khác, tính toán phân tích tình hình quản lý vận hành, tổng hợp các ưu khuyết điểm của hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối để thực hiện tính toán lưới điện.

Như đã nêu ở trên, điện năng thương phẩm tỉnh Điện Biên đến hết năm 2015 đạt 189,39 triệu kWh, như vậy tính cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân toàn tỉnh Điện Biên đạt 11,6%/năm; trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân các ngành như sau: Công nghiệp và xây dựng tăng 10,9%/năm; Nông lâm thủy sản tăng 21,2%/năm; Dịch vụ thương mại tăng 21,9%/năm; Quản lý tiêu dùng dân cư tăng 10,4%/năm và điện cho hoạt động khác tăng 15,7%.

Theo dự báo phụ tải đến năm 2015 của đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 6374/QĐ- BCN ngày 06-12-2011, điện thương phẩm của tỉnh Điện Biên là 231 triệu kWh công suất cực đại toàn tỉnh là 65 MW, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 là 16,1% MWh. Tuy nhiên, thực tế điện thương phẩm của tỉnh Điện Biên năm 2015 là 189,61 triệu kWh đạt 81,8% so với đề án quy hoạch lập giai đoạn trước. Như vậy, nhu cầu điện đến năm 2015 thấp hơn mức dự báo trong đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020” khoảng 42,02 triệu kWh. Dung lượng trạm 110kV tăng thêm 16MVA, như vậy có thể thấy khối lượng lưới điện 110kV thực hiện theo quy hoạch là rất thấp. Một phần do nhu cầu phụ tải của tỉnh Điện Biên tăng trưởng không cao, một phần nữa trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có sự hỗ trợ từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt là các các nhà máy thủy điện phát vào lưới điện trung áp của tỉnh đã làm giảm gánh nặng đầu tư các trạm biến áp 110kV của tỉnh.

Tuy nhiên, việc các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị chậm tiến độ cũng là nguyên nhân dẫn đến khối lượng lưới điện 110kV thực hiện theo quy hoạch đạt thấp. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chương trình phát triển các nguồn thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên so với đề án quy hoạch lập năm 2010 là rất tham vọng, tuy nhiên khối lượng thực hiện các công trình nguồn đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ có 3/18 công trình và công suất chỉ đạt 62,4/286,9 MW vào đúng tiến độ trong giai đoạn 2011-2015 đó là dự án đề ra như Nậm He (16 MW), Nậm Mức (44 MW) và thủy điện Pa Khoang (2,4MW).

Theo đề án quy hoạch giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên dự kiến xây dựng trạm 220kV Tuần Giáo nhằm thu gom công suất của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Điện Biên và lân cận, tuy nhiên việc phát triển các nguồn thủy điện vừa và nhỏ đạt tỷ lệ rất thấp do vậy lưới điện truyền tải 220kV không vào đúng theo quy hoạch đề ra.

Hiện tại, tỉnh Điện Biên được cấp điện từ lưới điện quốc gia thông qua 2 tuyến đường dây chính là: Đường dây 110kV mạch kép Sơn La – Thuận Châu – Tuần Giáo; đường dây 110 mạch kép Thủy điện Lai Châu – Tuần Giáo và 1 đường dây 110kV mạch đơn kết nối các trạm biến áp 110kV trong tỉnh là trạm 110kV Tuần Giáo, trạm 110kV Điện Biên và trạm 110kV Xi măng Điện Biên. Nhìn chung, tuyến đường dây 110kV và các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh đều đang vận hành non tải. Nguyên nhân do tốc độ phát triển nhu cầu phụ tải của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 là không cao. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát điện lên lưới điện 110kV và trung áp, các nguồn thủy điện nhỏ trên địa bàn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho phụ tải của tỉnh và đóng góp đáng kể trong sản lượng điện hàng năm của tỉnh Điện Biên.

Quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 15-8-2017, theo đó, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu tập trung tại hai khu vực là huyện Điện Biên Đông với tổng công suất các nhà máy thủy điện 115,5MW và khu vực các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé với tổng công suất 250MW. Việc đầu tư lưới điện 110kV nhằm giải tỏa công suất toàn bộ các nhà máy thủy điện ở khu vực này. Song trên thực tế, tiến độ thực hiện các dự án thủy điện ở hai khu vực này hầu hết bị chậm. Trong khi đó, phụ tải tiêu thụ điện tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé rất thấp. Do vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng các TBA 110kV Điện Biên 2, Điện Biên Đông nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng và hiệu quả công trình... Trước mắt, Công ty Điện lực Điện Biên tiếp tục cấp điện ổn định cho nhân dân khu vực các huyện trên thông qua hệ thống đường dây trung hạ thế; Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện tại Điện Biên Đông sẽ thực hiện đầu tư các đường dây 110kV đấu nối cụm các nhà máy thủy điện tại Điện Biên Đông về TBA 220kV Điện Biên, cụm nhà máy thủy điện tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ đấu nối về TBA 500kV Lai Châu hoặc TBA 110kV Mường Chà.

Như vậy, có thể thấy rằng chủ trương, hoạch định và quy hoạch đã rõ ràng; để công nghiệp thủy điện thực sự phát triển như kỳ vọng, đòi hỏi ngay từ bây giờ các chủ đầu tư, nhà thầu cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện các dự án đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thành mọi thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy điện; làm sao để các công trình nguồn và lưới đưa vào vận hành đồng bộ phát huy hiệu quả các công trình.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVNNPC Thiều Kim Quỳnh cho biết, để nâng cao chất lượng điện, đảm bảo độ ổn định cung cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh, lãnh đạo EVNNPC và lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã có buổi làm việc và thống nhất một số nội dung: EVNNPC sẽ hoàn thành trong năm 2018 việc nâng công suất MBA T2 Điện Biên từ 16 MVA lên 25 MVA và lắp MBA T2 16 MVA cho TBA 110kV Tuần Giáo, hoàn thành trong năm 2018; quý 2-2019 hoàn thành xây dựng ĐZ 110kV Điện Biên – Mường Chà và TBA 110kV Mường Chà (trước mắt kéo 1 mạch); lắp đặt các máy biến áp để ổn định điện áp cho các phụ tải ở cuối các đường dây trung thế có chiều dài lớn; lập phương án đầu tư các xuất tuyến trung thế TBA 110kV Mường Chà để triển khai đồng bộ với tiến độ xây dựng TBA 110kV Mường Chà, đồng thời, có các giải pháp đảm bảo cấp điện phục vụ Lễ hội kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như việc mở rộng TP Điện Biên Phủ về phía đông theo quy hoạch để kịp thời đề xuất phương án đầu tư bổ sung các tuyến đường dây trung hạ áp cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân; đầu tư trạm cắt 110kV Điện Biên 2 phục vụ đấu nối các NMTĐ khu vực huyện Điện Biên đông (tránh đấu nối chữ T). Khi phụ tải khu vực tăng cao, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ tiến hành lắp MBA phục vụ cấp điện. UBND tỉnh Điện Biên sẽ hỗ trợ bố trí đủ quỹ đất phục vụ ngành Điện xây dựng TBA 110kV Điện Biên 2 hoàn chỉnh

UBND tỉnh Điện Biên có trách nhiệm hỗ trợ bố trí đủ quỹ đất và phối hợp, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai các dự án xây dựng phát triển lưới điện. Đặc biệt, chỉ đạo các chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện khu vực huyện Điện Biên Đông góp vốn và tự đầu tư các đường dây 110kV đấu nối về trạm cắt 110kV Điện Biên 2 phục vụ truyền tải công suất phát các Nhà máy Thủy điện này lên hệ thống điện Quốc gia theo như thỏa thuận đấu nối đã thống nhất với EVNNPC; chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Long Tạo có trách nhiệm đầu tư đường dây 110kV Long Tạo – Nậm Mức và cho phép EVNNPC thực hiện đấu nối đường dây 110kV Mường Chà – Long Tạo để khép mạch vòng cấp điện cho TP Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng nhu cầu cung cấp điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.