Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng trong quản lý, sử dụng kinh phí thủy lợi

Kim Nhuệ| 20/06/2018 07:04

(HNM) - Nhiều địa phương, doanh nghiệp thủy lợi của TP Hà Nội đang lúng túng, chưa xác định được đơn vị nào chịu trách nhiệm thu, mức thu, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này...


Thành phố Hà Nội có khoảng 302.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 200.000ha trồng lúa, 5.500ha nuôi trồng thủy sản, 90.000ha trồng cây rau màu, ăn quả… Hiện trên địa bàn thành phố có 5 doanh nghiệp thủy lợi trực thuộc UBND thành phố và 922 hợp tác xã nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, cấp xã đảm nhận dịch vụ cấp nước, tiêu nước cho diện tích trên.

Theo phân cấp trước đây, doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy trì công trình thủy lợi từ cống đầu kênh đến công trình đầu mối và được ngân sách thành phố chi trả kinh phí thông qua hình thức giao kế hoạch, đặt hàng cung cấp dịch vụ tưới, tiêu hằng năm. Các hợp tác xã được phép thu tiền của xã viên, với mức trần quy định không vượt quá 36.000 đồng/sào/năm, tương ứng 100.000 đồng/ha/năm; đồng thời, chịu trách nhiệm tu sửa, vận hành công trình tưới, tiêu nước từ cống đầu kênh lên mặt ruộng (thủy lợi nội đồng).

Nhờ có nguồn vốn từ ngân sách và khoản kinh phí do nhân dân đóng góp mà hệ thống thủy lợi nội đồng của các địa phương đã được điều hành, khơi thông, nạo vét kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi thực hiện Luật Phí và lệ phí, cùng với đó là quy định phân cấp quản lý công trình hạ tầng, kinh tế - xã hội của TP Hà Nội đã phát sinh nhiều vướng mắc. Cả hợp tác xã và doanh nghiệp thủy lợi chưa biết đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm thu phần kinh phí thủy lợi nội đồng và sử dụng nguồn kinh phí này như thế nào, mức thu bao nhiêu?

Nếu thành phố giao cho doanh nghiệp thu và sử dụng nguồn thu thủy lợi nội đồng thì nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phải tuyên bố giải thể vì không có nguồn thu và xã viên không có việc làm. Còn theo phản ánh của 5 doanh nghiệp, nếu thành phố giao trách nhiệm thu thì cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế, sau khi các hợp tác xã bàn giao, số lượng công trình thủy lợi doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý quá lớn so với số lao động hiện có… Điều này không chỉ dẫn đến những khó khăn trong việc thu tiền mà còn trong cả việc sửa chữa các công trình bị hư hỏng, dẫn nước lên ruộng…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sau khi Luật Giá, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 55/2016/QĐ-UBND quy định về giá dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố quy định mức giá trần thủy lợi nội đồng vẫn là 36.000 đồng/sào/năm. Về trách nhiệm thu, sau khi nhận được ý kiến góp ý của các đơn vị, Sở NN&PTNT đã tổng hợp và đề xuất UBND thành phố giao cho các doanh nghiệp thủy lợi: Tổ chức rà soát hệ thống công trình thủy lợi nội đồng của từng xã, xây dựng chi phí quản lý, vận hành các công trình nội đồng nhưng không được vượt mức trần do thành phố quy định, xin ý kiến và thông qua hội đồng quản trị hợp tác xã, UBND xã và tổ chức thu, sử dụng kinh phí theo đúng các quy định hiện hành.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố cho phép các doanh nghiệp thủy lợi có thể thực hiện giao khoán cho các hợp tác xã sở tại tổ chức xây dựng chi phí quản lý, vận hành các công trình thủy lợi nội đồng thông qua hội nghị xã viên, thu và sử dụng giá dịch vụ thủy lợi nội đồng nhưng không được vượt quá mức trần do thành phố quy định để thực hiện khai thác, duy tu duy trì, bảo vệ hệ thống thủy lợi nội đồng. Doanh nghiệp thủy lợi có trách nhiệm giám sát việc khai thác, duy tu, duy trì của hợp tác xã (nếu thực hiện giao khoán) bảo đảm đúng mục đích sử dụng, đối tượng, hiệu quả và theo đúng các quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng trong quản lý, sử dụng kinh phí thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.