Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng cửa hàng kinh doanh trái cây

Quỳnh Dung| 24/06/2018 07:31

(HNM) - Sau thời gian thực hiện đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành, đến nay, nhận thức của một số chủ hàng từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thói quen người tiêu dùng

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc trái cây bán ở cửa hàng.


Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và chủ động thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở chuyên doanh trái cây trên địa bàn thành phố. Hiện có 175 tổ chức và hơn 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây tại nhiều cửa hàng trên các tuyến phố và khu dân cư trên địa bàn 12 quận; 572 cửa hàng tiện ích và cửa hàng chuyên doanh trái cây.

Trong số này, khoảng 30% cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, 50% cửa hàng có giá kệ bày trái cây, còn lại cơ bản dùng sạp để bày và hầu hết không có biển hiệu. Đa số người bán trái cây chưa có đủ kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo quản trái cây, gây khó khăn cho công tác quản lý. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, trong quá trình triển khai đề án quản lý trái cây, do các cửa hàng kinh doanh trái cây hầu như không quan tâm tới tem nhãn; một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ, không phối hợp với lực lượng chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục như: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tham gia lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm...

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng vẫn có thói quen "tiện đâu mua đó", chưa quan tâm tới nguồn gốc các loại trái cây... Phó chánh thanh tra phụ trách Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) Lê Trung Kiên cho biết: Qua kiểm tra thực tế ở các cửa hàng kinh doanh trái cây cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số hộ kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc nên các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc. Theo bà Phạm Thị Mơ - chủ cửa hàng kinh doanh trái cây tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), hiện các loại trái cây ở cửa hàng đều "cất buôn" ở các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng vài tạ, hầu như chưa có tem nhãn và rất khó kiểm chứng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Tăng cường quản lý nguồn gốc xuất xứ

Để nâng cao chất lượng trái cây bán ở cửa hàng, chợ dân sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra những cửa hàng kinh doanh trái cây... Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người kinh doanh mặt hàng này. Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói phải bảo đảm rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói; đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; khuyến khích dán tem nhãn QR code, tem trên bao bì mặt hàng trái cây phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc trái cây bằng thiết bị di động. Đối với mỗi lô hàng trái cây kinh doanh tại cửa hàng, cửa hàng phải nhập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh việc mua trái cây. Đối với trái cây nhập khẩu, phải có thêm các thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu theo quy định.

Trái cây được kinh doanh phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng, bề mặt không thâm, không thối, không ủng, không mốc, bảo đảm mùi vị đặc trưng, không có mùi vị lạ. Ngoài ra, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của Nhà nước về kinh doanh trái cây, việc truy xuất nguồn gốc trái cây thực hiện theo quy định tại Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2011 của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp ghi nhãn hàng hóa đối với trái cây theo quy định hiện hành của Nhà nước về ghi nhãn hàng hóa để bảo đảm việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc dễ dàng, thuận tiện. Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương có sản lượng trái cây thường xuyên cung ứng về thị trường Hà Nội trong việc tuyên truyền, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bao gói, dán nhãn... đáp ứng yêu cầu bảo quản và truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng cửa hàng kinh doanh trái cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.