Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Các dự án đang được triển khai trơn tru, chuyên nghiệp hơn!

Nhóm PV| 05/07/2018 13:09

(HNMO) - Sáng 5-7, làm rõ nội dung được nhiều đại biểu HĐND thành phố quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền.


Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, sau khi thảo luận tại tổ trong phiên họp trù bị vào chiều 4-7, UBND thành phố đã cơ bản làm rõ khoảng 60 lượt ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, có 2 nội dung được nhiều đại biểu HĐND quan tâm, thảo luận liên quan đến tình hình thực hiện phân cấp quản lý kinh tế xã hội trên địa bàn và tiến độ giải ngân vốn XDCB. Do đó, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tiếp tục làm rõ, phân tích sâu hơn để đại biểu có thông tin.

Ngoài ra, HĐND thành phố cũng đề nghị làm rõ 3 nội dung chưa được nêu trong báo cáo của UBND thành phố là nâng cao hiệu quả hoạt động khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ; hiệu quả công tác đấu giá đất tại nông thôn và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các quận, huyện, thị xã.

Tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm!

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, cuối năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã có sự chỉ đạo kịp thời để nhanh chóng triển khai các nội dung.

Một số khó khăn trong thực hiện được ông Quyền nêu ra là không chỉ có Hà Nội, mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã kiến nghị TƯ xem xét điều chỉnh một số nội dung còn bất cập, vênh so với Luật Đầu tư công.

Hà Nội cũng đã hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn lại các ban quản lý dự án. Năm 2018, các ban quản lý dự án đã triển khai công việc trơn tru, chuyên nghiệp hơn.

Kết quả cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã hoàn thành 167 dự án, trong đó có 98 dự án hoàn thành chuyển tiếp giai đoạn 2011-2015; đã khởi công 64/102 dự án của năm 2016 và 5/126 dự án giai đoạn 2017-2020.

"Tổng số dự án triển khai thực hiện cho đến nay cơ bản bảo đảm theo tiến độ đầu tư công trung hạn. Bước sang giai đoạn 2019-2020, khi đã thực hiện xong thủ tục đầu tư, các đơn vị sẽ tập trung vào triển khai thi công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Về tiến độ giải ngân và bố trí vốn, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã giải ngân được 27.166 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tiến độ như vậy là chậm, nhất là với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án trọng điểm. Nhưng trong giai đoạn tiếp theo, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc sẽ bảo đảm tiến độ" - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng.

Hà Nội đi đầu cả nước về việc đăng ký kinh doanh qua mạng

Thông tin tới đại biểu về một số nội dung còn lại, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tính tới cuối tháng 6-2018, tổng số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố là 251.460 DN, trong đó có hơn 23.000 DN nhỏ và vừa. Các DN này đã tạo ra 67% số lượng việc làm, tạo thu nhập bình quân cho người lao động khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, chiếm 44,8% doanh thu của DN và đóng góp gần 30% cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về vốn, trình độ quản lý, đất đai, mặt bằng sản xuất... UBND thành phố đã chỉ đạo Sở KHĐT xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa về các lĩnh vực như thông tin đăng kí thành lập DN, cấp con dấu lần đầu và chuyển phát nhanh hồ sơ đăng ký thành lập DN.

Về việc thành lập DN, 100% DN trên địa bàn thành phố đã thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng. Đây là điểm đột phá, Hà Nội đi đầu cả nước, được Bộ KHĐT đánh giá cao. Hà Nội không chỉ quan tới việc hỗ trợ thành lập DN mà còn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ mạnh hơn nữa trong quá trình DN đi vào hoạt động như tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn, đào tạo lao động, thông tin thị trường...

Về tình hình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, thành phố đang tập trung triển khai quyết liệt, ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng một thành phố thông minh. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được thực hiện trên nền tảng đồng bộ tất cả các quận, huyện, thị xã. Thành phố đã thực hiện được 515 dịch vụ công trực tuyến, vượt chỉ tiêu 30% theo yêu cầu của Nghị quyết 05 ngày 1-12-2017 của HĐND thành phố.

Về việc phân cấp quản lý kinh tế xã hội, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, việc phân cấp đã được thực hiện nhiều năm, nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập. Trong phiên thảo luận ngày 4-7, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề phân cấp quản lý trong các lĩnh vực thủy lợi, môi trường, cây xanh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông...

Qua rà soát nhiều năm, Sở KHĐT nhận thấy quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Sở sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và trong 6 tháng cuối năm 2018 sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành, địa phương để rà soát, đánh giá các bất cập để tham mưu sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Các dự án đang được triển khai trơn tru, chuyên nghiệp hơn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.