Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động nông thôn: Khắc phục nghịch lý thiếu - thừa

Hà Hiền| 08/07/2018 07:27

(HNM) - Thị trường lao động nông thôn của TP Hà Nội đã và đang diễn ra sôi động. Tuy vậy, đa số địa phương vẫn thừa lao động trình độ thấp, thiếu lao động trình độ cao. Để khắc phục nghịch lý này, các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo quy luật tất yếu, tăng cường khả năng kết nối.

Đào tạo chuyên môn, tay nghề là giải pháp nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Ảnh: Sơn Hà


Phát triển chưa cân đối

Đối với người dân xã Đông Xuân (Quốc Oai), ngày làm việc bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn. Người ra đồng, người lên đồi, người vào các nhà máy, người theo những chuyến xe vào nội thành Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Long cho hay, người lao động ở xã hầu như không có khái niệm nông nhàn, thậm chí, những người hết tuổi lao động vẫn tích cực làm việc. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở Đông Xuân đạt 37,8 triệu đồng; dự kiến, con số này tăng lên hơn 40 triệu đồng trong năm nay, cao gấp 6 lần so với năm 2008.

Những xã tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất); Yên Bài (Ba Vì)… cũng không có nhiều lao động thất nghiệp. Tại các làng nghề, nguồn cung cho thị trường lao động thường xuyên khan hiếm, nhất là vào dịp cuối năm. Nhiều cơ sở phải tuyển dụng lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tính chung, trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực nông thôn của TP Hà Nội còn dưới 2%, thấp hơn khu vực thành thị khoảng 1-1,5%.

Dù vậy, thị trường lao động nông thôn vẫn thiếu cân đối về nhiều mặt. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh Hoàng Văn Hoàn cho biết, toàn huyện hiện có hơn 180.000 lao động, trong đó lao động ngành Nông nghiệp chiếm gần 52%; lao động ngành thương mại, dịch vụ chiếm gần 30%. Lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức chiếm gần 64%, ở khu vực kinh tế chính thức chỉ chiếm hơn 36%, trong khi địa phương có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động và sử dụng hàng vạn lao động. Chất lượng nguồn nhân lực ở Đông Anh cũng rất đáng bàn khi còn hơn 26% lao động chưa qua đào tạo, gần 46% lao động là công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ. Lo ngại hơn là số người thất nghiệp có xu hướng tăng.

Tại huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa… lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm đa số song lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. “Đó là sự nghịch lý và lãng phí. Nếu không sớm được khắc phục, sự bất hợp lý đó sẽ tác động tiêu cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực kinh tế phi chính thức sang chính thức”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu lo lắng. Phân tích kết quả các phiên giao dịch việc làm trong thời gian gần đây, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành khẳng định, lao động trình độ cao đã được “phân bổ” về khu vực nông thôn nhiều hơn. Tuy vậy, cơ hội việc làm và các vị trí tuyển dụng vẫn tập trung vào nhóm lao động phổ thông hoặc có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật.

Tăng cường khả năng kết nối

Theo ông Vũ Quang Thành, cung - cầu lao động ở khu vực nông thôn chưa thực sự ăn khớp với nhau có nguyên nhân từ việc thiếu thông tin khách quan, đa chiều về thị trường lao động. Chẳng hạn, nhiều lao động thuộc huyện Đông Anh đăng ký tìm việc qua sàn giao dịch việc làm đòi hỏi chế độ đãi ngộ cao hơn khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp. Do đó, một số doanh nghiệp có tâm lý “né” tuyển lao động địa phương. Ngược lại, một số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại huyện Ba Vì đưa ra chế độ phúc lợi kém hấp dẫn, khiến người lao động không mặn mà. Cứ như vậy, vòng luẩn quẩn thiếu - thừa, thừa - thiếu lao động chưa được khắc phục triệt để.

Để kết nối cung - cầu lao động đúng hướng, tại Quyết định số 4883/QĐ-UBND ngày 22-9-2014 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”. Sau gần 4 năm triển khai đề án này, mạng lưới sàn giao dịch việc làm đã được thành lập ở nhiều địa phương, trong đó có 2 sàn trung tâm, 11 sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các sàn và điểm giao dịch việc làm thu hút gần 2.500 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, gần 25.000 người đến tìm cơ hội, qua đó có hơn 10.300 người tìm được việc làm phù hợp. “Sau nhiều năm loay hoay không tìm được việc làm, tôi đến sàn giao dịch việc làm đăng ký phỏng vấn và may mắn trúng tuyển. Hiện nay, tôi đang làm công nhân tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây”, chị Bùi Thị Ngân, trú tại xã Vật Lại (Ba Vì) kể.

Cùng với giải pháp đưa thông tin thị trường lao động về nông thôn, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã, đang hỗ trợ lao động nông thôn nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề thông qua các dự án dạy nghề, ưu tiên giải quyết việc làm, cho vay vốn ưu đãi… Dự kiến, năm 2018, toàn thành phố hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 24.000 lao động nông thôn. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về việc làm trên địa bàn Hà Nội đang được các cơ quan chức năng thu thập, phân tích, nhằm phác thảo ra bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động. Đồng tình với các giải pháp nêu trên, Giám đốc Công ty bất động sản NAMILAND Vũ Hoàng Long đề nghị nghiên cứu xây dựng thêm đội ngũ tư vấn chuyên sâu về việc làm.

Các chuyên gia đã chỉ rõ, cơ cấu kinh tế, lao động ở Hà Nội đang chuyển dịch mạnh mẽ theo cả chiều rộng, chiều sâu. Điều đó đồng nghĩa với việc lao động trong ngành Nông nghiệp giảm dần, lao động tay nghề thấp có nguy cơ bị thất nghiệp. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thị trường lao động nông thôn cần được triển khai bài bản, toàn diện, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động nông thôn: Khắc phục nghịch lý thiếu - thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.