Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch: Nhiệm vụ cần sự quyết tâm cao

Dạ Khánh| 09/07/2018 07:15

(HNM) - Nước sạch luôn là vấn đề cấp thiết đối với người dân. Nhờ những nỗ lực cao, tại Hà Nội, nước sạch khu vực đô thị đã bớt “nóng”. Tuy nhiên, khu vực nông thôn vẫn còn một số “vùng trắng” về vấn đề này...

Dây chuyền xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Cáo Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Bài đầu: Nỗ lực nâng tỷ lệ bao phủ nước sạch


Nước sạch ở khu vực nội đô triền miên điệp khúc đến hè lại… "khát"; khu vực ven đô và ngoại thành, đa số người dân vẫn phải sử dụng nước mưa và nước giếng khoan. Đây là bức tranh không toàn diện của việc cấp nước sạch ở Thủ đô nhiều năm trước đây. Thời gian qua, bằng quyết tâm, nỗ lực, thay đổi trong cả “cách nghĩ, cách làm”, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Hà Nội đã dần được đáp ứng tốt hơn.

Từ bức tranh chưa toàn diện...

10 năm trước, mỗi khi hè về, người dân các quận nội thành, đặc biệt là những khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao, lại đối diện với nỗi lo… “khát” nước sạch kéo dài. Đợt mất ít thì 3-5 ngày, có đợt kéo dài đến cả nửa tháng, khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn.

Bên cạnh đó, có tới trên 30% mạng lưới đường ống "có tuổi đời" hơn 30 năm chưa được sửa chữa, thay thế. Tình trạng đục đường ống để đấu trái phép không được kiểm soát. Thêm vào đó, mạng lưới đường ống xây dựng trước đây phần lớn chưa có quy hoạch hợp lý, chồng chéo qua một số giai đoạn nâng cấp, cải tạo. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước trong đô thị còn cao hơn 30%.

Trong khi đó, với những hộ dân ở các vùng xa trung tâm như khu vực Cổ Nhuế, Mễ Trì (huyện Từ Liêm trước đây), Xuân La, Phú Thượng (quận Tây Hồ)... hay các huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, có được nước sạch về “làng” vẫn là điều xa vời. Phần lớn người dân vẫn phải sinh hoạt chủ yếu bằng nguồn nước mưa, nước giếng khoan. Vì thế, nhiều khu vực chất lượng nước không bảo đảm, một số chỉ tiêu lý - hóa cao hơn giới hạn cho phép, như hàm lượng cặn, sắt, amôniăc, nitrit, coliform…

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (năm 2008), thống kê cho thấy, tỷ lệ dân số đô thị toàn TP Hà Nội được cấp nước là 94,8%; tại các huyện ngoại thành và ven nội chỉ có 6% dân số được sử dụng nước sạch. Các huyện của Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh mới được cấp khoảng 1%, chủ yếu cho khu vực thị trấn và thị tứ.

... tới xóa đi nhiều mảng tối

Bức tranh về nước sạch của Thủ đô nói trên quả là một thực tế đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trở về trước. Trong thời gian qua, với sự thay đổi trong “cách nghĩ, cách làm”, Hà Nội đã và đang nâng dần tỷ lệ người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch.


Kiểm tra, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Hải Anh


Theo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, việc UBND thành phố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con, trên cơ sở tổ chức lại Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội và Công ty Kinh doanh nước sạch số 2, trong đó Công ty mẹ là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội), là bước chuyển lớn, từ đây, năng lực quản lý được nâng cao, chất lượng dịch vụ cấp nước được cải thiện.

Việc phát triển nguồn và mạng cấp nước - một lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng để bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô cũng được TP Hà Nội xác định là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, duy trì công tác khai thác sản xuất ổn định các nhà máy cấp nước hiện có lúc đó, phục vụ nhu cầu nước sạch ngày càng gia tăng của người dân; Hà Nội cũng chủ trương đầu tư mở rộng hạ tầng cấp nước, định hướng phát triển cấp nước ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt, dần thay thế nguồn nước ngầm. Thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các dự án trọng điểm phát triển nguồn và mạng lưới cấp nước trên địa bàn.

Cụ thể, Công ty Nước sạch Hà Nội hoàn thành dự án "Nâng công suất Nhà máy nước Gia Lâm" lên 60.000m3/ngày - đêm (năm 2011), "Nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì" lên 50.000m3/ngày - đêm (khởi công năm 2015)... Việc cải tạo, thay thế đường ống cũ, phát triển hạ tầng cấp nước tại các khu dân cư mới cũng được chú trọng, như dự án xây dựng hạ tầng cấp nước các phường của quận Hoàng Mai, “phủ sóng” cấp nước các phường của quận Long Biên, Tây Hồ...

Đặc biệt, với chủ trương xã hội hóa, Tổng công ty Vinaconex đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước sông Đà, công suất 600.000m3/ngày đêm, trong đó giai đoạn 1 cung cấp 300.000m3 nước/ngày -đêm, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng 140.000 khách hàng khu vực quận Thanh Xuân, một phần Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông...; xóa nhiều điểm "nóng" thiếu nước sạch cho khu vực nội đô.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, đến nay mạng lưới đường ống cấp nước khu vực nội thành đã cơ bản bảo đảm an toàn cung cấp nước; các sự cố nhỏ được phát hiện, sửa chữa kịp thời, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch cũng giảm dưới 20%. Hiện nguồn nước cung cấp cho đô thị TP Hà Nội đã đạt khoảng 950.000-1.000.000m3/ngày - đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Với khu vực nông thôn, nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch, Hà Nội đã tìm hướng “khơi thông” về nguồn lực đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư để phát triển cấp nước. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đến nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành đã phối hợp đồng bộ để khẩn trương hoàn thiện thủ tục triển khai các dự án cấp nước tập trung. Nhiều nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng hệ thống nguồn và mạng lưới cấp nước, bảo đảm khả năng đấu nối cấp nước cho khoảng gần 52% người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch.

Một số dự án đã hoàn thành như: Dự án “Xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho 5 xã (Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Xuân Canh và Đông Hội) huyện Đông Anh”; Dự án “Xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 11 xã của huyện Quốc Oai”; Dự án “Nối mạng, cấp nước cho 10 xã, thị trấn huyện Thạch Thất”; Dự án “Nối mạng, cấp nước cho 4 xã huyện Quốc Oai”; Dự án “Cấp nước tại huyện Hoài Đức”… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch: Nhiệm vụ cần sự quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.