Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư

Hiền Thanh| 10/07/2018 07:38

(HNM) - Có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhưng trên thực tế việc phát triển loại hình chợ đầu mối còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội, cả nước có 83 chợ đầu mối trên tổng số 8.539 chợ (chiếm 0,97%), tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân giai đoạn 2010-2017 đạt 4,5%. Có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung, tiêu thụ hàng hóa bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chợ đầu mối không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp thương mại, dịch vụ phát triển. Tuy nhiên, các chợ đầu mối chưa phát huy được hết hiệu quả hoạt động. Các mặt hàng được bán tại nhiều chợ đầu mối không rõ nguồn gốc, nhất là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm… Việc mua bán thường không có hợp đồng cũng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đánh giá về hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối đang hoạt động và 4 chợ hoạt động có tính chất chợ đầu mối. Tuy nhiên, do quy mô phân phối còn nhỏ, nên các chợ chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố; nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, tình trạng hoạt động tự phát của các điểm tập kết hàng hóa quanh khu vực chợ ngày càng phức tạp… UBND TP Hà Nội đã, đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa nguồn vốn, nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà do lợi nhuận thấp.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở các quốc gia tiên tiến, ông Ricardo Lopez Pietsch - đại diện Tập đoàn Mercasa (Tây Ban Nha) cho biết, từ thực tế phát triển chợ đầu mối của các nước phát triển trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Canada… phải xác định rõ chợ đầu mối là nơi dành riêng cho những nông trang lớn, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, các hợp tác xã giới thiệu và bán hàng, tuyệt đối không dành cho thương lái truyền thống dùng để ép giá nông sản. Chợ đầu mối cần phát triển hệ thống kho bãi đủ khả năng bảo quản nông sản lâu dài, hệ thống các nhà vận chuyển, xuất khẩu nông sản trong nước và ra nước ngoài. Vì vậy, cần minh bạch giá sản phẩm bằng các phiên đấu giá nông sản theo cả phương thức truyền thống là đấu giá trực tiếp và đấu giá thông qua mạng internet.

Theo Bộ Công Thương, hạn chế lớn nhất trong phát triển chợ đầu mối chính là nguồn vốn đầu tư khá cao, trung bình cần 40 tỷ đồng/chợ. Trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang đặt ra nhiều thách thức do cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chưa phù hợp. Đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng…

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển các phương thức kinh doanh, giao dịch hiện đại để nâng cao hiệu quả giao dịch của chợ đầu mối. Qua đó, ngăn chặn các tư thương đầu mối không có cơ hội thao túng thị trường. Đặc biệt, cần giám sát để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ; có hệ thống văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục truy xuất nguồn gốc và xử lý nông sản không đạt chuẩn kinh doanh tại chợ đầu mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.