Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Bảo đảm nhu cầu cho người dân

Dạ Khánh| 11/07/2018 07:23

(HNM) - Xác định đẩy nhanh cung cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, ngày 11-6-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm đến năm 2020, 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn, uống được tại vòi.


Huy động nguồn lực

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tỷ lệ người dân đô thị (gồm 12 quận, với quy mô dân số khoảng 3,260 triệu người) được “ăn” nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung đạt gần 100%. Con số này chưa đạt tuyệt đối, bởi vẫn còn một số hộ dân sử dụng nguồn cấp nước cục bộ và chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, từ năm 2016 đến hết tháng 5-2018, tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch đã nâng từ 37% lên gần 52%.

Có được kết quả này là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền thành phố, các ban, ngành, nhà đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số “vùng trắng” nước sạch (34 xã), nằm rải rác tại các huyện: Phúc Thọ (6 xã), Đan Phượng (11 xã), Thạch Thất (8 xã), Chương Mỹ (9 xã). Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch, phấn đấu đến năm 2020 nâng diện bao phủ nước sạch khắp toàn thành phố, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Hà Nội đang tiếp tục huy động các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư phát triển cấp nước. Đến nay, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 94%. Hiện, UBND thành phố đang tiếp tục xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho một số xã còn lại, phấn đấu trong năm 2018, 100% các xã đều có nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án cấp nước sạch.

Đối với các xã vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống mạng lưới truyền dẫn và nguồn cấp nước, trên cơ sở kết quả thử nghiệm tại 2 xã Chuyên Mỹ, Phú Yên của huyện Phú Xuyên và xã Hợp Đồng của huyện Chương Mỹ, UBND thành phố sẽ triển khai mô hình cấp nước theo hộ, cụm hộ sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo đảm cấp nước cho nhân dân theo kế hoạch.

Phát triển nguồn nước tập trung

Trước tốc độ đô thị hóa của Hà Nội trong thời gian qua cũng như những năm tới, nhu cầu sử dụng nước sạch tại thành phố được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Theo một số chuyên gia, nhu cầu dùng nước đô thị tại Hà Nội đến năm 2020 là 1.560.000 m3/ngày - đêm. Vì thế phát triển thêm các nguồn cấp nước tập trung, bổ sung vào hệ thống cấp nước là yêu cầu cấp thiết.

TP Hà Nội đã xác định rõ danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020, nhằm huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn. Theo Kế hoạch 131/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố đến năm 2020, với định hướng giảm dần khai thác nước ngầm, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, bảo đảm phát triển bền vững tài nguyên nước, một lộ trình đầu tư phát triển nguồn nước tập trung cũng được thành phố xác định cụ thể. 4 dự án đầu tư xây dựng, mở rộng các nhà máy nước, gồm: Dương Nội - Hà Đông, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 1, Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2, đang được thành phố yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm nay. Các dự án này đi vào hoạt động sẽ bổ sung thêm 335.000m3/ngày - đêm cho hệ thống cấp nước của thành phố.

Trong 2 năm kế tiếp (2019-2020), thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành 7 dự án: Nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 2; Nhà máy nước sông Hồng; Nhà máy nước Phú Sơn (Ba Vì); nhà máy nước tại xã Tiến Thịnh (Mê Linh); nâng công suất Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2; xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai (Chương Mỹ) lấy nguồn cấp từ Nhà máy nước sông Đà; nghiên cứu sử dụng nguồn nước hồ Quan Sơn (Mỹ Đức) để phục vụ cấp nước sinh hoạt... Các dự án này hoàn thành sẽ tăng công suất thêm 1.015.000m3/ngày - đêm.

Không chỉ tăng thêm nguồn, mở rộng mạng lưới cấp nước tại khu vực nông thôn, vấn đề chất lượng nước sạch cũng được thành phố đặc biệt quan tâm.

Với Kế hoạch 131/KH-UBND, UBND thành phố cũng yêu cầu các công ty kinh doanh nước sạch, các nhà đầu tư thực hiện rà soát thực trạng nhà máy nước, trạm cấp nước để xây dựng lộ trình điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý hiện đại, bảo đảm chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn uống tại vòi.

Riêng lĩnh vực nước sạch nông thôn vẫn được cho là “đầu tư tiền tỷ, thu về tiền lẻ”, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà. Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thành phố cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước khu vực nông thôn như: Ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất vay và hỗ trợ vốn. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, trình duyệt các dự án cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bảo đảm nhu cầu cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.