Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung đầu tư công trình thủy lợi đầu mối

Kim Nhuệ| 11/07/2018 07:23

(HNM) - Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi của TP Hà Nội đã được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai... Tuy nhiên, để bảo đảm phục vụ đa mục tiêu, ngoài tiếp tục cải tạo hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi đầu mối mang tính chiến lược. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội.


- Hệ thống thủy lợi của TP Hà Nội đã được đầu tư như thế nào, thưa ông?

- Số lượng công trình thủy lợi của TP Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều công trình xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước nên đã bị xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, hiệu quả phục vụ bị suy giảm. Đặc biệt, sau trận mưa lịch sử cuối tháng 10-2008, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo đảm phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi quy mô lớn như các trạm bơm: Ngoại Độ, Yên Nghĩa, Ấp Bắc, Phù Sa, Thanh Điềm và các hồ chứa: Đồng Mô - Ngải Sơn, Xuân Khanh, Đồng Sương...

Trạm bơm tiêu úng Yên Nghĩa là một trong những công trình trọng điểm của thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.


Về tổng thể, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách hơn 262,6 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 182 danh mục công trình thủy lợi. Hằng năm, các doanh nghiệp thủy lợi sử dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên trong kinh phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi để tu bổ, nâng cấp 2.808 danh mục công trình, tổng kinh phí gần 458,2 tỷ đồng; đầu tư bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản 109 danh mục công trình, với tổng kinh phí hơn 5.163 tỷ đồng…

- Với việc đầu tư như vậy, hệ thống công trình thủy lợi của thành phố đã đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai?

- Hệ thống công trình thủy lợi của thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do hạn hán, chống úng khi xảy ra lượng mưa dưới 300mm trong 3 ngày vào giữa vụ, bảo đảm an toàn công trình ở mức thiết kế; hỗ trợ tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành.

Tuy nhiên, để hệ thống công trình thủy lợi làm tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần nguồn lực lớn hơn nữa để cải tạo, sửa chữa các công trình được xây dựng từ lâu và đang bị xuống cấp, nhất là hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Đồng thời, đầu tư mới các công trình đầu mối mang tính chiến lược phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành như cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm tiêu Đông Mỹ...

- Như ông trao đổi, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tham mưu thành phố đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi để vừa chủ động ứng phó với thiên tai, vừa phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn. Cụ thể vấn đề này như thế nào?


- Để hệ thống công trình thủy lợi làm tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng công trình có tính chất cấp bách, chiến lược, như: Hệ thống tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, nạo vét trục chính sông Nhuệ; xây dựng, cải tạo các trạm bơm: Nhân Hiền, Lễ Nhuế II, Bình Phú, Xém, Ngoại Độ, Đan Hoài, Hồng Vân; nâng cấp và xây dựng mô hình hiện đại hóa hệ thống tưới Hạ Dục... Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố chuyển đổi các vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản tập trung; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, chủ yếu là rau màu, hoa và cây ăn quả.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí xây dựng quy trình vận hành, kiểm định an toàn các hồ chứa nước và công trình thủy lợi đầu mối trên địa bàn để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội chú trọng giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước...

- Để khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi sau đầu tư, cần thiết phải đổi mới công tác quản lý. Đối với TP Hà Nội, công việc này tiếp tục được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

- Từ năm 2016, UBND thành phố đã có quyết định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực thủy lợi, thành phố thống nhất quản lý toàn bộ công trình đầu mối, hệ thống kênh mương và công trình trên kênh. Trên cơ sở đó, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thiện công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, khai thác công trình.

Để quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi trong thời gian tới, Sở NN& PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo 5 doanh nghiệp thủy lợi phối hợp với các địa phương xây dựng quy chế phối hợp quản lý công trình mới tiếp nhận, bàn giao; rà soát, xây dựng cơ chế khoán chi đối với từng đơn vị phù hợp với quy mô công trình, thực trạng đồng đất, vùng tưới, tiêu… Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND thành phố về tiêu chí cho các dự án phát triển thủy lợi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa; sắp xếp lại các doanh nghiệp thủy lợi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến Luật Thủy lợi...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư công trình thủy lợi đầu mối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.