Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Gia tăng nguồn hàng, kiểm soát giá cả

Tuệ Diễm| 16/07/2018 07:21

(HNM) - Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong tháng 6-2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tăng 0,55% so với tháng 5 và tăng 3,47% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (0,95%).

Bán hàng bình ổn thị trường tại hệ thống siêu thị Co.opmart.


Kiểm soát chỉ số tăng giá

Để chủ động kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường. Chương trình được triển khai từ ngày 1-4-2018 đến hết 31-3-2019. Năm nay có 88 doanh nghiệp tham gia chương trình, gồm 66 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng.

Theo kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp, lượng hàng hóa bình ổn đưa ra thị trường năm 2018 tăng khoảng 15-30% so với năm 2017. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 4 nhóm chương trình bình ổn thị trường được triển khai, là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới, mặt hàng sữa và thuốc.

Trong đó, nhóm hàng lương thực - thực phẩm thu hút nhiều đơn vị tham gia, bao gồm các doanh nghiệp chủ chốt như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Trung bình mỗi năm hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op dự trữ và phân phối từ 80.000 đến 120.000 tấn hàng bình ổn giá với giá trị từ 4.000 tỷ đồng đến hơn 6.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, mỗi năm số lượng mặt hàng bình ổn được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Saigon Co.op ngày càng tăng. Ở nhóm lương thực - thực phẩm, Saigon Co.op tham gia chương trình bình ổn thị trường đủ 9 mặt hàng thiết yếu.

Hiện đơn vị đã thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo đảm có nguồn hàng đầy đủ với giá bán thấp hơn thị trường 5-10%. Riêng về các mặt hàng bình ổn giá phục vụ năm học mới sắp tới, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã chuẩn bị hơn 35.000 các sản phẩm đồng phục học sinh các cấp và khoảng 100.000 quyển vở trắng.

Bên cạnh hàng thực phẩm thì thuốc, dược phẩm là mặt hàng thiết yếu được người dân đặc biệt quan tâm. Đây là năm thứ 6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vận động các doanh nghiệp sản xuất thuốc tham gia chương trình bình ổn thị trường. Hiện có 14 công ty tham gia như: Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2, Công ty cổ phần Dược phẩm 2/9, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco), Công ty cổ phần Dược phẩm Savi, Công ty cổ phần Dược phẩm OPV; có 21 nhóm thuốc với 176 hoạt chất và 383 mặt hàng cung cấp cho người dân. Toàn thành phố có 4.192 nhà thuốc bán thuốc bình ổn giá, trong đó có 3.425 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 647 nhà thuốc doanh nghiệp.

Thực hiện bình ổn giá quanh năm

Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh ra đời từ năm 2002, qua 15 năm thực hiện đã góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng nội địa, điều tiết cung cầu, kiềm chế lạm phát, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình đặc biệt có ý nghĩa lớn, vì TP Hồ Chí Minh không chỉ lo bảo đảm nguồn hàng cung cầu phục vụ cho hơn 10 triệu dân mà còn là đầu mối cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường được áp dụng vay vốn ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, năm 2018 có 12 tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn thị trường, tổng số vốn đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng bình ổn là 19.650 tỷ đồng.

So với trước đây, hoạt động bình ổn giá tập trung vào cao điểm dịp Tết nguyên đán, nhưng hiện nay TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình này gần như quanh năm. Điều này thực sự có lợi cho người dân, nhưng cũng không ít người lo lắng liệu chính quyền có kiểm soát được tình trạng giá cả các mặt hàng của doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, Sở sẽ giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá của các đơn vị, đồng thời theo dõi bảo đảm doanh nghiệp bán hàng đúng cam kết rẻ hơn thị trường 5-10%.

Để bảo đảm có nguồn hàng đầy đủ với giá bán cạnh tranh thấp hơn thị trường 5-10%, đại diện của Saigon Co.op cho biết đơn vị này triển khai đồng loạt các giải pháp như: Tổ chức khai thác nguồn hàng tận gốc; đầu tư ứng vốn cho nông dân và các hợp tác xã; liên kết, liên doanh với các nhà sản xuất, đơn vị cung cấp; đầu tư mở rộng hệ thống tổng kho; đổi mới công tác cung ứng vận chuyển điều phối hàng hóa.

Trong đó, tập trung vào chiến lược tạo nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng trong danh mục hàng bình ổn. Vì vậy, dù giá cả thị trường tăng cao nhưng đơn vị này vẫn cam kết bảo đảm đúng số hàng hóa bình ổn phục vụ người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Gia tăng nguồn hàng, kiểm soát giá cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.