Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

Thanh Hiền| 18/07/2018 07:29

(HNM) - Trong bối cảnh sức ép hàng ngoại nhập ngày càng gia tăng, để hàng Việt đủ sức cạnh tranh đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Mô hình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.Ảnh: Việt An


Đẩy mạnh hợp tác

Theo thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty cổ phần VP9 Việt Nam, các bên sẽ tiến tới hợp tác toàn diện việc tài trợ, đặt hàng các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Quỹ nghiên cứu mà Công ty cổ phần VP9 Việt Nam dành cho hoạt động này khoảng 1 tỷ đồng mỗi quý. Được biết, Công ty cổ phần VP9 Việt Nam là doanh nghiệp đã phát triển thành công camera internet với chất lượng hình ảnh hàng đầu thế giới, đưa sản phẩm vào thị trường và cạnh tranh với các camera nhập khẩu. Với công nghệ cốt lõi về truyền dẫn và xử lý video siêu tích hợp, doanh nghiệp này đã đưa Việt Nam trở thành nơi đầu tiên trên thế giới phát triển thành công sản phẩm camera thông minh thay thế camera thường và được chính phủ nhiều nước lựa chọn, tài trợ để kết nối, đưa công nghệ sang sử dụng thử nghiệm, thương mại hóa tại nhiều nước.

Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học trong chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Từ cuối năm 2007 đến nay, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã hợp tác với trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact, tiết kiệm điện năng, giúp Rạng Đông giảm được số lượng đèn compact không đạt tiêu chuẩn, tiết kiệm tái sử dụng nguyên liệu trị giá hàng chục tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ của các đơn vị nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với nhà khoa học theo hình thức doanh nghiệp đặt hàng, tài trợ chi phí nghiên cứu, bao tiêu đầu ra hoặc doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm. Điển hình như Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ NANO EXTRA XFGC phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu cho Công ty cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam; Viện Hải dương học chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ cho doanh nghiệp và ngư dân khu vực ven biển miền Trung…

Là đơn vị có nhiều sản phẩm ra đời từ sự hợp tác này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, doanh nghiệp có vốn, có khả năng kinh doanh nhưng không có công nghệ, khi kết hợp với nhà khoa học, doanh nghiệp không phải bỏ thời gian, kinh phí, nhân lực để nghiên cứu, còn nhà khoa học có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư nghiên cứu, phục vụ nhu cầu xã hội.

Cần có mô hình doanh nghiệp về khoa học và công nghệ


Thời gian qua, dù nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu đã chủ động hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, một trong những rào cản với các doanh nghiệp muốn tiếp cận hợp tác với các viện, trường đại học là sự hạn chế thông tin. Trong khi đó, các nhà khoa học thường không giỏi nắm bắt nhu cầu của thị trường nên dù sản phẩm nghiên cứu thành công về mặt kỹ thuật, nhưng lại không được thị trường chấp nhận.

PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, cần có mô hình doanh nghiệp về khoa học và công nghệ được hình thành từ các nhà khoa học kết hợp với doanh nghiệp để liên tục phát triển, cải thiện sản phẩm. Mô hình này cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm, gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế phù hợp để hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn, nhà khoa học kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo tiêu chí nghiên cứu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình, hội chợ công nghệ tập trung các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, công nghiệp giao thông, quản lý đô thị; công nghệ bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao... TP Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Thực tế, kinh nghiệm về khảo sát và phát triển thị trường của doanh nghiệp giúp các nhà khoa học định hướng tạo ra sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với người sử dụng. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu để triển khai sản xuất sẽ là động lực để các nhà khoa học có trách nhiệm hơn với kết quả nghiên cứu của mình, cùng doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.