Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất nông nghiệp Hà Nội: Đối diện không ít thách thức

Ngọc Quỳnh| 20/07/2018 07:28

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2018, sản xuất nông nghiệp Hà Nội duy trì tốc độ tăng trưởng khá và xuất hiện thêm nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đối diện với không ít thách thức, khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa như kỳ vọng…

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang cần có thêm nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Ảnh: Bá Hoạt


Khó từ sản xuất đến tiêu thụ

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt khoảng 2,4%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 19.190 tỷ đồng, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, giá trị kinh tế cao như mô hình trồng cây ăn quả ở các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, thành phố đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Đơn cử, chuỗi sản xuất - tiêu thụ trứng gà Tiên Viên của Công ty cổ phần Tiên Viên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) có quy mô hơn 200.000 con gà, đang cung cấp ra thị trường 70.000 quả trứng gà sạch/ngày, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm...

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp Hà Nội vẫn đối diện với nhiều thách thức, bởi chính sách khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa thỏa đáng, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 80 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu, việc triển khai cũng còn hạn chế.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh nêu ý kiến, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết nông dân đang tự sản, tự tiêu sản phẩm, chưa liên kết được với doanh nghiệp nên luôn ở trong tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, đầu tư cho nông nghiệp còn quá thấp, chẳng hạn như ở thị xã Sơn Tây, trung bình mỗi năm kinh phí đầu tư chỉ chiếm từ 2 đến 3% so với các ngành kinh tế khác.

Mặt khác, việc đầu tư cho sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn gặp khó khăn, nhất là đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, về hỗ trợ máy sấy lúa, theo quy định thành phố chỉ hỗ trợ 75 triệu đồng/máy cho nông dân, hợp tác xã, nhưng khi vào vụ thu hoạch, nếu chỉ có một máy sấy hoạt động sẽ không đủ công suất và đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp thu mua lúa cho người dân. Thực tế ở huyện Ứng Hòa vụ xuân vừa qua, có doanh nghiệp dự kiến thu mua 10.000 tấn lúa cho người dân, nhưng do không đáp ứng các điều kiện về khâu bảo quản, sấy khô sau thu hoạch, dẫn tới khó khăn trong thực hiện hợp đồng.

Chưa hết, khâu giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cũng khá phức tạp. Thành phố đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho điểm giết mổ bán công nghiệp có kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên khi lưu thông sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên thị trường lại không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới đánh đồng về chất lượng với các lò mổ nhỏ lẻ nên lò mổ công nghiệp gặp nhiều khó khăn…

Đồng bộ giải pháp

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa kiến nghị, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị kinh tế cao…

Từ thực tế của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân đề xuất, các sở, ngành sớm tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận. Đơn cử như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nên hỗ trợ từ 2 đến 3 máy sấy lúa cho một hợp tác xã thay vì chỉ hỗ trợ 1 máy/hợp tác xã như hiện nay. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đê điều, thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

Để sản xuất nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, ổn định, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở sẽ tham mưu thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp và vốn xây dựng công trình thủy lợi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa TP Hà Nội với các địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết “4 nhà” để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cho nông dân; xây dựng quy định, tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn và quy trình xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi. Về phía các địa phương, cần tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là quản lý về giống, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc quản lý sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, đê điều, công trình thủy lợi, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp Hà Nội: Đối diện không ít thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.