Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý cửa hàng trái cây

Quỳnh Dung| 23/07/2018 06:26

(HNM) - Nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng được sử dụng trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây ở các tuyến phố, khu dân cư…


Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thành phố khoảng 52.000 tấn/tháng, trong khi đó, khả năng sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, còn lại phải nhập ở nước ngoài và các tỉnh, thành phố trong nước. Tuy nhiên, số lượng các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn không nhiều, chủ yếu là cơ sở kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường… gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng.

Hà Nội đang nâng cao việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây.


Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, hiện tồn tại một số loại hình trái cây bán trên vỉa hè, lòng đường, trên xe máy, xe đạp, xe thồ hoặc ở những khu đất công dưới dạng các gian hàng lợp tạm, dựng ô tạm… Hoạt động này đang là kênh phân phối đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động ở các tỉnh về Hà Nội. Tuy nhiên, do không có điều kiện bảo quản theo quy chuẩn nên các loại trái cây này chủ yếu sử dụng hóa chất cấm nhằm duy trì độ tươi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn có thói quen “tiện đâu mua đấy”, chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây nên vô tình “tiếp tay” cho các điểm kinh doanh trái cây chất lượng không bảo đảm. Ngoài ra, công tác thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn do các hộ kinh doanh trái cây ở chợ, vỉa hè, lòng đường… không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Theo bà Nguyễn Thị Hậu, chủ cửa hàng bán trái cây ở vỉa hè gần chợ Xanh (phường Văn Quán - quận Hà Đông), trái cây bán ở những cửa hàng này đều “cất buôn” ở chợ đầu mối và hầu như không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả khi thương lái gom ở các vùng trồng cây ăn quả cũng đều không có tem nhãn vì thực tế mặt hàng này chỉ có ở những nơi trồng theo tiêu chuẩn thực hành tốt VietGAP để phục vụ xuất khẩu.

Tăng cường công tác tuyên truyền


Hiện nay, việc kinh doanh trái cây ở vỉa hè, lòng đường ngoài việc gây mất trật tự giao thông còn khiến các ngành chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát chất lượng. Tuy nhiên, rất khó loại bỏ ngay những cửa hàng này nên cần lộ trình đưa hoạt động vào nền nếp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các quận cần chỉ đạo đơn vị, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về kinh doanh trái cây có nguồn gốc xuất xứ, bán đúng nơi quy định; hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm; đồng thời, rà soát, đơn giản thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai việc cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn; chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý việc kinh doanh, buôn bán trái cây tràn lan tại vỉa hè, lòng đường với những biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để, nghiêm minh…

Bên cạnh đó, các quận cần rà soát quỹ đất trống, nhất là tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cửa hàng cần được bố trí ở địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ những khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh ở những cửa hàng trái cây trên địa bàn. Theo đó, trái cây kinh doanh tại cửa hàng phải bảo đảm rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói, phải bảo đảm rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát, các ngành chức năng cần tuyên truyền để người kinh doanh nâng cao ý thức trong việc mua trái cây ở những địa điểm uy tín, có dán tem trên bao bì sản phẩm để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, tăng cường kiểm tra, giám sát lấy mẫu các loại trái cây nhằm phục vụ việc phát hiện vi phạm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, từng bước đưa việc quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây vào nền nếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý cửa hàng trái cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.