Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi động thị trường M&A

Tuệ Diễm| 17/08/2018 07:05

(HNM) - Tính đến cuối tháng 7-2018, TP Hồ Chí Minh đã thu hút 4,12 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Cuối năm 2017, tổng số thương vụ M&A ở Việt Nam đạt mốc 10 tỷ USD, trong đó riêng Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) chi gần 5 tỷ USD để sở hữu 53% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sau thương vụ, bia Sài Gòn chính thức xuất hiện tại Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2018. Trao đổi về vấn đề này tại diễn đàn M&A 2018 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết: "Thai Beverage đầu tư vào Sabeco là thương vụ nổi bật nhất của M&A ở Việt Nam.

Sau thương vụ này, khả năng thương hiệu Việt Nam tham gia thế giới là rất tốt. Nếu không có M&A, sẽ rất khó cho bia Việt Nam có thể xuất hiện trên thị trường thế giới".

Ở lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) cũng cho biết: "Sau khi chúng tôi mua cổ phần tại Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam và Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, thương hiệu của hai công ty vẫn tồn tại. Hiện hai công ty đều đang phát triển rất tốt với tốc độ tăng trưởng của mỗi công ty là 50% và 100% trong 6 tháng năm 2018".

Ngoài việc tái cấu trúc, tạo ra bước đột phá cho doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài chọn mua lại hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ được xem là món hời, vì họ được kế thừa các giấy phép, thuê địa điểm, đào tạo nhân lực. Trong khi đó, một doanh nghiệp muốn gây dựng công ty phải mất hàng năm trời nhưng nếu thông qua M&A thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ mất thời gian thương thảo vài tháng.

Nếu như năm 2017 phần lớn giá trị thương vụ M&A được thực hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, thì nửa đầu năm 2018 các thương vụ bất động sản vươn lên chiếm vị thế chủ lực. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã buộc các nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó nhanh nhất là thông qua các thương vụ M&A.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, sau khi rà soát địa bàn TP Hồ Chí Minh có 1.300 dự án "treo", trong đó thành phố mới xóa được 575 dự án. Các doanh nghiệp nếu không muốn bị thu hồi dự án buộc phải tìm gấp nhà đầu tư để có nguồn vốn triển khai thi công. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá: "Cách đây hơn 10 năm là thời kỳ khủng hoảng bất động sản, hàng nghìn dự án ở TP Hồ Chí Minh "đắp chiếu". Sau đó, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mua lại, xây dựng các khu đô thị khang trang...". Ngoài các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, thời gian gần đây các nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore, Nhật Bản cũng bắt đầu mua lại nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là, vừa qua TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Và với quỹ đất dồi dào sắp tới, nhà đầu tư ngoại sẽ không bỏ qua những thương vụ đầu tư bằng chiến lược M&A khiến thị trường này càng thêm sôi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động thị trường M&A

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.