Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Khó đâu, gỡ đó

Bài, ảnh: Bạch Thanh| 22/08/2018 06:35

(HNM) - Mới đây, Hội Nông dân Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho các vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố với tinh thần

Hội Nông dân TP Hà Nội tham quan vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản và ếch thương phẩm giá trị cao tại huyện Thanh Oai.


Để tháo gỡ “nút thắt” đầu ra cho nông sản của nông dân là bài toán khó. Cũng vì đầu ra còn thiếu ổn định đã khiến người dân không mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Anh Lê Văn Hán, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) cho biết, sau dồn điền đổi thửa, gia đình anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi 200 lợn thịt/lứa. Tuy nhiên, giá cả nông sản bấp bênh, gia đình nhiều phen khốn đốn. Đặc biệt, năm 2017, gia đình đã thua lỗ tới 500 triệu đồng do giá lợn sụt giảm. Gia đình anh Hán cũng đã nghe về phát triển nông sản an toàn gắn với chuỗi nhưng cũng chưa biết kết nối bắt đầu từ đâu...

Còn ông Phạm Văn Hồng ở thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) lại nêu thực tế: “Địa phương cũng kêu gọi các doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ rau an toàn cho nông dân nhưng số lượng tiêu thụ rất hạn chế. Hiện có tới 90% sản lượng rau an toàn của gia đình vẫn phải bán với giá của rau thường cho thương lái”.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Sóc Sơn thì thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống, “không cần biết” nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của nhiều người tiêu dùng đang là những rào cản lớn khiến khó hình thành các vùng chuyển đổi vật nuôi tập trung, quy mô hàng hóa trên địa bàn huyện. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, không đăng ký nhãn hiệu... vẫn bày bán tràn lan trên thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho rằng, trước hết, phải xác định thị trường của sản phẩm và căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương để xác định quy mô, cây trồng chuyển đổi cho phù hợp. Tại huyện Gia Lâm, những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp còn ít, huyện định hướng chuyển đổi sang các mô hình công nghệ cao. Đối với các xã vùng bãi, huyện tích cực hỗ trợ nông dân về hạ tầng như: Đường điện, giao thông nội đồng, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực để nông dân thuận lợi trong tiêu thụ. Hiện, Gia Lâm có 2 sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn là chuối tiêu và rau an toàn, nhưng đến nay chưa bị rơi vào cảnh “được mùa - mất giá”...

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê khẳng định, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã đẩy mạnh kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng vật tư an toàn, tiêu thụ nông sản… và từng bước có hiệu quả. Với tinh thần “khó đâu - gỡ đó”, Hội Nông dân thành phố tiếp tục tổng hợp kiến nghị, thắc mắc của nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gửi các đơn vị liên quan trả lời. Sau đó, Hội sẽ trực tiếp truyền tải tới nông dân và có văn bản tổng hợp, phổ biến đến từng chi hội nông dân...

Thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, để hoạt động này thiết thực hơn với người nông dân, Nhà nước cần có thêm chính sách để khuyến khích người dân. Đó là việc đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành; hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, từng địa phương cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm... nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Khó đâu, gỡ đó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.