Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm xử lý các “điểm nghẽn”

Gia Bảo| 24/09/2018 07:06

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa cũng là lúc gia tăng các vị trí sạt lở, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Hiện nhiều dự án xây dựng kè bờ chống sạt lở đã được triển khai, nhưng vẫn đang vướng mắc về mặt bằng và vốn thi công.

Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch, tại 5 quận (2, 7, 8, Thủ Đức và Bình Thạnh) và 4 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Hóc Môn), giảm 3 vị trí so với năm 2017. Điều đáng nói, mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm chiếm phần lớn với 22 vị trí và dự báo thời gian tới tình hình sạt lở bờ sông sẽ gia tăng.

Vướng mặt bằng và thiếu vốn là hai điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện các dự án kè bờ chống sạt lở.


Để chủ động phòng, chống cũng như tiếp tục kéo giảm các vị trí sạt lở trên địa bàn, các cơ quan chức năng thành phố đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở then chốt. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án vẫn còn vướng về mặt bằng và thiếu vốn để thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu được bàn giao mặt bằng thi công đúng hẹn thì đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 8 công trình. Thế nhưng, các công trình này vẫn chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng, phải vừa vận động vừa triển khai thi công. Điều đáng nói, nếu các công trình trên hoàn thành sẽ kéo giảm xuống còn 29 vị trí sạt lở trên địa bàn, chưa tính các vị trí có thể phát sinh từ nay đến hết năm 2018.

Năm 2018, Khu quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh được thành phố giao làm chủ đầu tư thực hiện 30 dự án xây dựng kè bảo vệ bờ, phòng chống sạt lở. Hiện đơn vị đang thực hiện 19 dự án tại 18/37 vị trí sạt lở và 6 dự án nằm ngoài danh mục, 5 dự án còn lại đã hoàn thành. Thế nhưng, hiện có 15/30 dự án chậm tiến độ, tạm ngưng thi công do chưa được bàn giao mặt bằng.

Nhằm bảo đảm tiến độ, đối với những công trình cấp bách và quy mô nhỏ, chủ đầu tư chủ động phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tạm bàn giao mặt bằng để thi công; song song đó, công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng được thực hiện. Đối với dự án phát sinh khối lượng trong thi công, chủ đầu tư kiến nghị tạm ứng vốn để tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, với các dự án hoàn thành chủ trương đầu tư nhưng chưa có vốn, Sở Giao thông - Vận tải thành phố đã đề xuất cơ chế thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình ngay khi có đủ điều kiện về mặt bằng và vốn...

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải chia sẻ: "Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân tại các vị trí sạt lở và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở đã đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Trong đó, Sở sẽ chủ động làm việc với UBND các quận, huyện có vị trí sạt lở và dự án xây dựng kè bờ đang bị vướng, nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng quyết liệt hơn và bàn giao đúng tiến độ".

Cùng với đó, Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Sở Giao thông - Vận tải phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường đối với các dự án chống sạt lở.

Đồng thời, báo cáo Hội đồng thẩm định giá thành phố xem xét, phê duyệt đơn giá bồi thường để chính quyền quận, huyện có cơ sở đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như vận động người dân tạm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm xử lý các “điểm nghẽn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.