Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút FDI: Tạo hiệu ứng lan tỏa đối với doanh nghiệp trong nước

Theo Vietnamplus| 04/10/2018 15:05

Sáng 4-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việt Nam được đánh giá là thành viên có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế.

Dây chuyền sản xuất, đóng gói bột mì tại Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Đồng thời, đã và đang tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập.

Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện. Tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những chuyển biến thực chất.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh, bước đầu đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có uy tín và thương hiệu, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, mở ra cơ hội mới cho đầu tư tư nhân; trong đó có đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập.

“Đó là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, cũng như để Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào những sân chơi mới của thế giới, vừa thúc đẩy phát triển đất nước, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn lại kết quả thực hiện trong 30 năm qua, có thể rút ra những bài học thực tiễn quý giá và là nền tảng quan trọng để điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài cho giai đoạn mới như để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng.

Tiếp đến là cần hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Đồng thời phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài.

Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với khu vực doanh nghiệp trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trên chặng đường 30 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Nền kinh tế Việt Nam có được những thành tựu phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, có thể khẳng định có sự đóng góp không nhỏ của khu vực đầu tư nước ngoài.

Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20-8-2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình từ 18-25% trong giai đoạn 1991-2017.

Với sự tham gia của đầu tư nước ngoài, nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch... đã có bước phát triển đáng kể trong những năm qua.

Đầu tư nước ngoài còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Tư lệnh ngành kế hoạch đầu tư cũng nhấn mạnh, mặc dù, còn những hạn chế nhất định, nhưng trong 30 năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Hội nghị là dịp để nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân.

Từ đó, đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, góp phần nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ý kiến tham luận của các đại biểu và các nội dung trao đổi tại hội nghị về những đánh giá kết quả nổi bật, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ yếu, mục tiêu, định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án về định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút FDI: Tạo hiệu ứng lan tỏa đối với doanh nghiệp trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.