Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: Chủ động liên kết vùng

Nguyễn Lê| 19/10/2018 06:31

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang gặp sức ép lớn do gia tăng dân số cơ học, kéo theo các vấn đề bất cập về hạ tầng cũng như quản lý đô thị, xã hội.

Mối lo dân số gia tăng bất thường

Hiện nay, nhiều phường của một số quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã vượt quy mô dân số của một quận, hoặc một huyện. Đơn cử, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) vào năm 2009 có quy mô dân số 80.858 người với mật độ 17.388 người/km², nhưng đến nay số dân đã vượt ngưỡng 115.000 người, cao hơn dân số của cả huyện Cần Giờ và gần bằng dân số của quận 2. Sở dĩ những địa bàn có dân số tăng cao trong những năm gần đây chủ yếu là tăng cơ học. Người dân ở các địa phương, tỉnh, thành phố khác cảm thấy nơi đó đáp ứng được nhu cầu mưu sinh nên tập trung về sinh sống, vì thế rất khó để kéo giãn dân số.

TP Hồ Chí Minh cần mở rộng tư duy liên ngành trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.


Theo PGS.TS Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh), từ năm 2010, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã xác định mô hình phát triển thành phố là tập trung - đa cực. Trong đó, tập trung là khu vực nội thành hiện hữu (mở rộng sang Thủ Thiêm), còn đa cực là 4 trung tâm cấp thành phố (gồm các đô thị vệ tinh Đông, Tây, Nam, Bắc). Thực tế hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã là một đô thị đa trung tâm: Trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh); trung tâm Chợ Lớn cũ (quận 5, quận 6, một phần quận 11); trung tâm phía Đông (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức); trung tâm phía Nam (quận 7 với Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và huyện Nhà Bè với Khu đô thị cảng Hiệp Phước).

Tuy nhiên, nếu nhìn trong tổng thể của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là hạt nhân, vẫn chưa hình thành được các đô thị đối xứng, đối trọng nên vùng đô thị TP Hồ Chí Minh gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển. Đây là điều mà các nhà hoạch định, quản lý đô thị cũng như các chuyên gia về quy hoạch đô thị “đau đầu” trong công tác lập quy hoạch xây dựng thành phố.

Tạo động lực để các địa phương phát triển

Là tỉnh giáp với TP Hồ Chí Minh nhưng Bình Dương đã xây dựng được nhà ở với giá khoảng 100 triệu đồng/căn cho người lao động có thu nhập thấp. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh không thể xây được nhà có giá như vậy bởi thiếu quỹ đất giá rẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề trở ngại. Nếu đầu tư phát triển hệ thống giao thông vùng kết nối với Bình Dương thật tốt thì người lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh có thể lên Bình Dương mua nhà mà không nhất thiết phải mua bằng được nhà ở thành phố khi khoảng cách đi lại tương đương.

Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình phát triển, tại các đô thị lớn - cực lớn như TP Hồ Chí Minh, việc xác định tầm nhìn cho phù hợp với sự thay đổi là một tất yếu mang tính khách quan. Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), muốn phát triển TP Hồ Chí Minh không thể chỉ nhìn trong phạm vi địa giới hành chính thành phố mà phải nhìn tổng thể của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Đã đến lúc chúng ta mở rộng tư duy liên ngành trong quản lý phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh với bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định này, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh đúng tầm với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, cần nghiên cứu không gian cấp vùng, tạo động lực để các địa phương trong vùng phát triển tương xứng.

Tại hội thảo khoa học về quản lý đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch xây dựng thành phố có 4 vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, về quy hoạch tổng thể, phải có quy hoạch đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, quy hoạch phải gắn với giao thông, gắn với liên kết vùng. Thứ hai, về chức năng và cơ cấu kinh tế, thành phố cần đề xuất hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Thứ ba, để giải quyết bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp, trong quy hoạch phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, giảm áp lực dân số đổ về thành phố. Thứ tư, cần nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện (diện tích, dân số) để bảo đảm vận hành hợp lý hơn.

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh chỉ có thể thoát khỏi sự luẩn quẩn trong quy hoạch phát triển nếu có cách tiếp cận mới, tập trung xử lý tốt mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh với các đô thị khác trong vùng theo hướng liên kết, hỗ trợ nhau phát triển nhanh, toàn diện. Để làm được điều này, rất cần một “tư lệnh” với thẩm quyền đủ mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: Chủ động liên kết vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.