Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo dựng thói quen văn minh thương mại mới

Thanh Hiền| 20/10/2018 07:56

(HNM) - Ngày 19-10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án


Sau hơn một năm triển khai, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội đã đáp ứng được các yêu cầu của Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội". Đánh giá về hiệu quả của đề án, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua trái cây và dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện. Các doanh nghiệp, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật. Đặc biệt, doanh thu của các cửa hàng tăng 20-50% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện.

Bà Lê Thị Bích Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty BFood Việt Nam chia sẻ, là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc các tiêu chí của đề án, nên từ tháng 10-2017, 8 cơ sở kinh doanh của BFood đều được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, được khách hàng tin dùng, hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt. Trong khi đó, chị Nguyễn Hà Anh (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi thường xuyên mua trái cây tại cửa hàng tiện ích Vinmart+, vì trái cây có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa và chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Bây giờ cửa hàng được gắn biển nhận diện, tôi càng yên tâm”.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm Hà Nội gặp gỡ, ký kết khoảng 480 biên bản ghi nhớ về khai thác sản phẩm trái cây của các tỉnh, thành phố vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, giới thiệu, cung cấp thông tin về nguồn cung trái cây an toàn của Hà Nội để các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn có nhu cầu kết nối, tiêu thụ…

Khi thực hiện đề án, Sở cũng gặp nhiều khó khăn khi một số hộ kinh doanh ngại thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh và an toàn thực phẩm. Nguồn hàng cung cấp trái cây vào thành phố hình thành qua nhiều kênh, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người tiêu dùng giữ thói quen mua sắm tại những cửa hàng trái cây không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có trang thiết bị bảo quản, chất lượng không bảo đảm. Ông Lê Hồng Thăng cho biết thêm, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận đẩy mạnh tuyên truyền về đề án; chỉ đạo lực lượng chức năng quận kiểm tra, xử lý nghiêm, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần tập trung kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc, nhất là trái cây trong nước.

Để triển khai thực hiện đề án trái cây bảo đảm chất lượng, tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phân công, cử cán bộ theo dõi bám sát địa bàn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trái cây. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu, thực trạng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận, bảo đảm 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của đề án và được cấp biển nhận diện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt tại các cửa hàng đã được cấp biển nhận diện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trái cây và người tiêu dùng, nhằm lan tỏa và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng thói quen văn minh thương mại mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.