Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 02/11/2018 06:49

(HNM) - Cải thiện chất lượng và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp là chủ trương nhất quán của Chính phủ.

Đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm điều kiện kinh doanh là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Các bộ, ngành vào cuộc

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với một số bộ về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đây là yêu cầu của Thủ tướng, với tinh thần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ yêu cầu bám sát mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất, nhập khẩu. Đến nay, đã có một số bộ thực hiện tốt như: Bộ Công Thương (đã cắt giảm 675/1.216 điều kiện), Bộ Xây dựng (183/215), Bộ Giáo dục và Đào tạo (121/212), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (172/345)...

Gần đây nhất, Bộ Công Thương vừa công bố phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Bộ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 202 điều kiện trong tổng số 561 điều kiện còn lại. Sau khi thực hiện xong mục tiêu này, Bộ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa được tổng cộng 72,1% tổng số điều kiện kinh doanh. Các ngành nghề sẽ được cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian tới gồm: An toàn thực phẩm; thuốc lá; rượu; hóa chất; sản xuất, nhập khẩu và bảo hành ô tô; than...

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị cũng bày tỏ sự đồng thuận, ghi nhận sự hỗ trợ có hiệu quả thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh từ các cấp, các ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Công ty TNHH Amico Gold (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giúp các đơn vị kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí là thực tế rõ ràng, dễ nhận thấy trong thời gian qua. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung kinh doanh, khắc dấu pháp nhân... được áp dụng đại trà, phát huy tác dụng cụ thể.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, các đơn vị thành viên đang có sự chuyển biến tích cực trong khi Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số hoạt động logistics Việt Nam đã tăng 25 bậc (lên vị trí 39) và đứng thứ 3 trong ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là tác động từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa
thủ tục...

Cần tăng tốc

Những chuyển biến nêu trên đã được ghi nhận, song kết quả chưa như mong muốn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong tổng số 61.691 điều kiện kinh doanh tồn tại thì mới cắt giảm được 1.517 điều kiện và một số bộ chưa đạt yêu cầu như các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ... Hiện vẫn còn 2.277 điều kiện cần tiếp tục cắt giảm. Bên cạnh đó, số lượng hàng xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành cũng còn khá lớn. Đơn cử, trong số 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng; tần suất kiểm tra vẫn cao, nhưng số lần phát hiện vi phạm lại thấp (0,06%)...

Như vậy, dư địa cho cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc có hiệu quả của các bộ. Tiến sĩ Nguyễn Mại cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực. Vì vậy, điều quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tận dụng cơ hội do hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; trong đó tập trung vào hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần nhận diện và xóa bỏ tình trạng “nhiều không” như: Không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả... hoặc áp dụng tùy tiện các quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cần liên tục tự đối chiếu với chỉ đạo, yêu cầu cụ thể của Chính phủ, tự giác thực hiện trách nhiệm với tinh thần cao nhất, vì doanh nghiệp và lợi ích chung của xã hội, cũng như gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị...

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng “chậm lớn” của doanh nghiệp. Trên thực tế, nếu một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần có nguồn lực để phát triển. Trước hết, cần loại bỏ tư duy phân bổ nguồn vốn theo lối xin - cho và thay vào đó là dựa trên tiêu chí chất lượng. Từ đó, cần áp dụng cơ chế theo nguyên tắc thị trường và tăng cường áp dụng hình thức tín chấp trong cho vay của ngân hàng. Một số đầu việc cần làm là nhanh chóng thiết lập thị trường quyền sử dụng đất, thị trường giao dịch chuyển nhượng đất đai, công nghệ - phát minh... để doanh nghiệp nắm bắt, phát huy tối đa cơ hội kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính), hiện nay chúng ta rất thiếu vốn, chi phí vốn còn cao. Trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất hầu hết đều thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Từ nay, nên chủ động dồn vốn cho hoạt động sản xuất để phát triển bền vững cũng như hướng tới mục tiêu thực hiện công nghiệp hóa nền kinh tế.

Như vậy, dù đã tập trung cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh liên tục, nhưng chưa thể nói là đã đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục đặt ra yêu cầu tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Trong đó, việc cần sửa ngay là phải thay đổi cách tư duy cũng như kiên trì thực hiện mục tiêu, tránh nửa vời... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.