Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế

Hoàng Minh| 03/11/2018 07:47

(HNM) - Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018 (gọi tắt là Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.


Nhiều điểm mới

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau hơn 12 năm ra đời, Luật Cạnh tranh 2004 đã làm tròn nhiệm vụ của mình, tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, cơ chế thị trường thay đổi, do đó một số quy định không còn phù hợp, đòi hỏi phải thay đổi.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về Luật Cạnh tranh 2018 trong cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Nam


Luật Cạnh tranh 2018 gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh… Theo đánh giá của một số luật sư, luật mới có sự hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh; phân biệt rõ giữa các khâu và gắn với trách nhiệm của các bên tham gia… bảo đảm sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời chú trọng vào việc tăng cường hiệu quả thực thi.

Chia sẻ với phóng viên về những điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết: So với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới đã mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh. Luật cũng điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. “Luật Cạnh tranh 2018 sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước - đây là điểm kế thừa của Luật Cạnh tranh 2004. Điểm mới nữa là Luật Cạnh tranh 2018 đã tổ chức lại cơ quan cạnh tranh, đó là thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua chia sẻ: Luật Cạnh tranh 2018 bao hàm nhiều nội dung mới đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc tế của doanh nghiệp, nhiều khái niệm, phạm trù mới. Song điều mà doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm nhất đó là Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể để làm cơ sở xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Đáng lưu ý, luật quy định bổ sung yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. So với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới cũng hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh, qua đó đơn giản hóa và rút ngắn thời gian. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; bảo đảm sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật…

Sớm đưa luật vào cuộc sống

Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều nội dung mới, quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, được đánh giá là công cụ hữu hiệu để nhà nước điều tiết cạnh tranh trên thị trường. Theo một số chuyên gia, các quy định của Luật Cạnh tranh 2018 đều rõ ràng. Tuy nhiên, luật có đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc vào việc thực thi ở các cấp.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận cạnh tranh. Nếu Luật Cạnh tranh 2018 sớm đi vào cuộc sống, sẽ góp phần bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Yên Ngân, huyện Phú Xuyên cho biết, trong cuộc cạnh tranh có những doanh nghiệp vươn lên đứng vị trí dẫn đầu thị trường, có lợi nhuận cao, nhưng cũng có những doanh nghiệp tồn tại một cách khó khăn, bị phá sản hoặc bị thôn tính. Do đó, để tạo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng với nhau, với những thay đổi quan trọng lần này, Luật Cạnh tranh 2018 hứa hẹn sẽ có những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Được biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh 2018, Bộ Công Thương đã và đang triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật. Để Luật Cạnh tranh 2018 thực sự phát huy hiệu quả, đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh cho cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước... Bản thân doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để chủ động trong hợp tác, liên kết, liên doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.