Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội để phát triển bền vững

Hương Ly| 06/11/2018 06:21

(HNM) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, CPTPP sẽ làm gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, đồng thời là cơ hội giúp nền kinh tế phát triển bền vững.

Ngành Dệt may sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam tham gia CPTPP.Ảnh: Bá Hoạt


Động lực kinh tế

Phiên thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn CPTPP đã ghi nhận những đóng góp sôi nổi, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội. Đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của hiệp định, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một hiệp định thương mại tiến bộ với tiêu chuẩn cao và minh bạch. CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về thương mại, thuế quan mà còn đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ... Việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội, nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lại phân tích, “sức ép” của CPTPP nhẹ hơn so với TPP vì các nước thành viên có thể có những thỏa thuận riêng để tạm hoãn thời gian thực hiện cam kết và tạo ra ràng buộc linh hoạt hơn. Đây cũng là thời gian cần thiết để Việt Nam tiếp tục điều chỉnh những điều kiện trong nước chưa phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bày tỏ sự đồng tình với việc phê chuẩn hiệp định, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc phê chuẩn CPTPP cũng sẽ khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), CPTPP là cơ hội giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Cần một “thuyền trưởng”

CPTPP sẽ tạo ra sức hút đầu tư mới cho lĩnh vực chế biến thực phẩm.


Đánh giá cao những cơ hội mà nền kinh tế nước ta có được từ việc tham gia CPTPP, song các đại biểu cũng chỉ rõ những thách thức đặt ra. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến, tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, như: Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, hóa chất… Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động, khó nâng cao năng suất và bảo đảm việc làm bền vững. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này cần được đánh giá khách quan trên phương diện là thách thức lớn hơn cơ hội và phải đặt trong bối cảnh lợi thế nguồn nhân lực đang giảm dần.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), CPTPP không chỉ đề cập đến cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ... mà còn xử lý những vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước... Vì vậy, sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt ở 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng gia tăng.

Chung quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, cần dự kiến được các phương án cụ thể để thực thi hiệp định một cách khôn ngoan. Chúng ta không chỉ tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia. Trong chương trình hành động cần nhấn mạnh công tác hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, dễ bị tổn thương...

Cho rằng mỗi quốc gia trong khối CPTPP như những “con thuyền” ra khơi song hành cùng nhau, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) lại nhấn mạnh vai trò “thuyền trưởng” của Chính phủ. Theo ông, Chính phủ sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giữ cho “con thuyền” vươn lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và báo cáo giải trình thêm về đánh giá tác động của CPTPP, vấn đề lao động, sửa đổi bổ sung một số luật. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của hiệp định này. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới cũng có báo cáo, nghiên cứu rất sâu về tác động của CPTPP đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Cũng như báo cáo của Chính phủ đã nêu, chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện hiệp định này một cách hiệu quả, có lợi cho đất nước.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu các ý kiến, chuẩn bị nghị quyết phê chuẩn trình Quốc hội thông qua. Theo lịch làm việc dự kiến, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 12-11.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: 
Hiệp định CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam

CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu. Theo dự đoán, ít nhất CPTPP sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến thời điểm năm 2030. Dự kiến, CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, những lao động có tay nghề cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam: 
Hiệp định CPTPP sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản 

Tôi hy vọng rằng, CPTPP sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hiệp định CPTPP sẽ mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thị trường cho cả doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP sẽ giúp các nước, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi hiệp định có hiệu lực. Với tiềm năng và thế mạnh của một trong những quốc gia có nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghiệp, máy móc thiết bị điện tử và khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp của Nhật Bản có thể cân nhắc, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đang được Việt Nam ưu tiên phát triển.


Dương - Linhthực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.