Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Đỗ Minh| 09/11/2018 06:44

(HNM) - Với những chương trình hành động và mục tiêu cụ thể, Hà Nội đang tích cực xây dựng hệ thống hợp tác xã mạnh, là đầu mối kết nối trong sản xuất, tiêu thụ, phát triển kinh tế...

Mô hình bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho hiệu quả kinh tế cao.


Đổi mới cả về chất và lượng

Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đến nay HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đã gặt hái được nhiều thành công. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh, sau khi thực hiện chuyển đổi, hiện HTX có 969 thành viên. Với vai trò tham mưu cho UBND xã trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay HTX đã có nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao; là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ cho mô hình trồng bưởi Diễn. Hiện HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến có hơn 150ha trồng bưởi, trong đó có 90ha đang cho thu hoạch. Dự kiến trong năm nay, sau khi trừ hết chi phí, số diện tích trồng bưởi Diễn cho thu nhập gần 38 tỷ đồng. Ngoài mô hình bưởi Diễn, HTX còn triển khai hiệu quả mô hình sản xuất ngô, rau màu vụ đông với hiệu quả kinh tế hơn 250 triệu đồng/ha...

Tương tự, tại huyện Thường Tín, thống kê cho thấy toàn huyện có 37 HTX đang hoạt động. Nhờ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, thành viên HTX và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, đến nay 100% HTX đã hoàn thành tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy chia sẻ, thực hiện Luật HTX mới và phát huy vai trò của HTX đổi mới, UBND huyện đã triển khai đề án Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020. Đặc biệt, UBND huyện đã tổ chức ký kết giao ước với 29 xã, thị trấn của huyện về thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020.

Thông qua phong trào thi đua đã thúc đẩy việc xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hiện, doanh thu bình quân của các HTX năm 2018 ước đạt 1,8 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân là 75 triệu đồng/HTX, nhiều HTX đã có lãi từ 100 đến 300 triệu đồng, vốn quỹ HTX được bổ sung, tái đầu tư, phát triển; thu nhập bình quân của thành viên HTX nông nghiệp đạt 30 triệu đồng/năm...

Không còn HTX yếu, kém

Nhằm phát huy vai trò HTX trong giai đoạn mới, Hà Nội đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 không còn HTX yếu kém, có từ 80% đến 90% HTX hoạt động từ khá trở lên; 100% thành viên sử dụng dịch vụ của HTX; đào tạo 80% cán bộ chủ chốt HTX, trong đó 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng trở lên... Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đề án Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5-12-2017; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HTX trong điều kiện đổi mới với các thành viên và cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ HTX, xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX tại các quận, huyện, thị xã theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, để tiếp tục phát huy hiệu quả của các HTX, chính quyền địa phương cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của HTX để kịp thời đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phối hợp các ngành chuyên môn tăng cường giám sát thực hiện các chính sách về kinh tế HTX.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chấp hành Luật HTX. Các sở, ngành chủ động hướng dẫn, theo dõi, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra tình hình hoạt động, thực hiện Luật HTX năm 2012. Đặc biệt, nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ HTX, tạo tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động…

Đổi mới HTX theo Luật HTX năm 2012 tại Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ tại tất cả các địa phương. Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 1.005 HTX nông nghiệp (tăng 83 HTX so với năm 2016), thu hút hơn 568.000 thành viên tham gia vào HTX. Số HTX thành lập mới được hỗ trợ từ năm 2011 đến năm 2017 là 120 HTX.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.