Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung| 11/11/2018 07:12

(HNM) - Hơn 9 tháng thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất - kinh doanh...

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn (Thanh Trì).


Đã nới lỏng

Tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngoài một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, theo đó, khoảng hơn 95% sản phẩm thực phẩm không cần thực hiện thủ tục hành chính. Nếu thực hiện đúng nghị định này, có thể tiết kiệm hơn 600 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện các tỉnh, thành phố chưa có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp.

Về những khó khăn trong thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Trưởng phòng Kinh tế quận Ba Đình Nguyễn Phương Chi cho biết, trên địa bàn có 2.152 cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thủy sản, quận đã vận động được 1.000 cơ sở kinh doanh ký cam kết sản xuất - kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trong quá trình triển khai Nghị định 15, còn một số vướng mắc như: Tại Điều 37, 38, 39 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các bộ, theo đó, Bộ Y tế là cơ quan quy định về mức giới hạn an toàn đối với nhóm sản phẩm; Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ là cơ quan xây dựng mức giới hạn an toàn thực phẩm.

Thực tế, công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra sơ chế kinh doanh thủy sản cho thấy việc sử dụng chất bảo quản đưa tạp chất vào thủy sản có diễn biến phức tạp. Nhiều chất kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy, hải sản được quy định tại một số thông tư của Bộ NN&PTNT song không có trong văn bản của Bộ Y tế... Điều này gây khó khăn khi xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định, cán bộ lấy mẫu phải có chứng chỉ phù hợp nhưng hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận chưa đáp ứng yêu cầu do chưa được tập huấn. Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, hiện nay, theo quy định tại Điều 12 mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ hạn chế phiền phức cho các cơ sở kinh doanh trong cấp giấy chứng nhận. Đối với những cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, gây khó khăn cho các ngành chức năng khi kiểm tra, giám sát chất lượng.

Thậm chí, một số người dân chưa ý thức sản xuất các mặt hàng bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, chạy theo lợi nhuận nên vẫn đưa kháng sinh cấm vào trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản. Nếu các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để công bố chỉ tiêu chất lượng sẽ tạo kẽ hở trong sản xuất, chế biến nông sản khi đưa ra thị trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Từ nay đến cuối năm 2018, nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm của người dân trên địa bàn tăng mạnh. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giám sát các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản ở các chợ đầu mối, dân sinh, nhà hàng, khách sạn. Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh có lượng hàng cung cấp lớn trên thị trường.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, để Nghị định đi vào cuộc sống, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh và thói quen tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức, đạo đức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin để nắm bắt các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, có chương trình kiểm tra, giám sát đối với những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản được xếp loại C sau thời gian không khắc phục, sửa chữa và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra liên ngành, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra tính xác thực của bản công bố mà cơ sở kinh doanh gửi tới cơ quan quản lý và lấy mẫu kiểm nghiệm so sánh với mẫu doanh nghiệp tự công bố làm cơ sở xử lý theo quy định.

Nếu đơn vị có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước, ngoài khắc phục hậu quả, phải xử lý thật nghiêm, đủ sức răn đe và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm cho các địa phương để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.