Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi người mua điện

Thanh Hải| 19/11/2018 06:32

(HNM) - Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12-9-2018, sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giá bán điện cho người thuê nhà đã có hiệu lực được gần 1 tháng.

Với quy định mới, người thuê nhà trọ thanh toán tiền điện theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt thay cho giá kinh doanh trước đây.Ảnh: Kỳ Anh


Triển khai đồng bộ và kịp thời

Xã Kim Chung (huyện Đông Anh) là nơi có hơn 20 nghìn lao động ngoại tỉnh cư trú. Khi đề cập đến việc triển khai Thông tư 25 của Bộ Công Thương, Chỉ thị số 08/CT-UBND (ngày 9-4-2013) của UBND thành phố về việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà để ở, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Kim Chung thông tin, trên địa bàn huyện Đông Anh có hơn 27 nghìn người thuê trọ, thì xã Kim Chung chiếm tới 3/4, với 7.042 phòng trọ.

Nhưng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, như phát trên loa truyền thanh của xã về quyền được hưởng giá bán điện sinh hoạt cho công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà ở, nên xã đã hoàn thành công tác này. Tính đến ngày 1-10-2018, 100% hộ gia đình kinh doanh nhà trọ đã ký cam kết bán điện theo quy định.

Có mặt tại thôn Bầu, xã Kim Chung, tiếp xúc với nhiều công nhân, chủ nhà trọ, chúng tôi chưa thấy bất kỳ phàn nàn nào về giá điện sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Ngân, quê ở Ninh Bình, đang trọ ở đây cho biết: "Hai vợ chồng mới sinh em bé được 8 tháng tuổi, nên sử dụng điện sinh hoạt nhiều như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… mỗi tháng hết khoảng 180-200 số điện. Chủ cho thuê nhà lắp công tơ riêng cho từng phòng, thu mức giá đúng với quy định, khoảng hơn 2.000 đồng/kWh.

Đây là mức hợp lý được nhiều người thuê trọ ủng hộ. Em cũng biết theo quy định mới, hộ thuê trọ có thể trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực, nhưng so sánh với mức chi trả hiện nay thì không khác là mấy, nên em chưa thực hiện”.

Còn ông Lê Văn Quyết, ở đội 6, thôn Bầu, đang có 15 phòng trọ cho thuê chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi, mà nhiều hộ gia đình có nhà cho thuê trọ ở đây cũng đều chấp nhận chịu chi phí khấu hao tổn thất điện năng về mình. Vì, tất cả các công tơ điện ở phòng trọ cộng lại bao giờ cũng thấp hơn con số ở công tơ tổng. Phần này nhiều khi cũng lên tới tiền triệu, nhưng mình phải chịu. Có như thế mới giữ chân được người thuê trọ lâu dài...”.

Còn trong nội đô, tại địa bàn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), nơi có đông sinh viên các trường đại học thuê trọ, việc triển khai Thông tư 25 cũng rất bài bản. Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình cho biết, tại các khu dân cư số 1, 2, 3 có nhiều gia đình cho sinh viên, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà ở. Để triển khai hiệu quả Thông tư 25, UBND phường đã thông báo tới các tổ dân phố, chi bộ, các hội đoàn thể... qua cuộc họp hằng tháng. Phường cũng yêu cầu lực lượng chức năng rà soát tất cả các gia đình cho thuê trọ để áp giá bán điện theo hướng dẫn mới.

Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, những nội dung cơ bản theo Thông tư 25 đã được đơn vị triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi cho người thuê nhà được mua điện theo đúng giá quy định. Trên địa bàn thành phố có 13.543 khách hàng có nhà cho thuê để ở, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty đã phổ biến nội dung thông tư và yêu cầu 13.484/13.543 khách hàng (đạt tỷ lệ 99,56%) ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng quy định.

Cùng với đó, Tổng công ty đã chỉ đạo các công ty điện lực tuyên truyền, niêm yết công khai nội dung Thông tư 25, Chỉ thị 08/CT-UBND đến các đối tượng là người cho thuê nhà và người thuê nhà để ở tại các điểm giao dịch, trên các website và Trung tâm Chăm sóc khách hàng giúp người dân nắm rõ quy định mới.

Cần có hợp đồng rõ ràng

Với việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà ở, người có thu nhập thấp bớt đi gánh nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày.


Dù thành phố, các ban ngành và Công ty Điện lực các quận, huyện triển khai nhiều giải pháp, nhưng hiện vẫn còn tình trạng sinh viên, người thuê trọ phải chịu tiền điện theo giá kinh doanh. Nguyên nhân là một số người thuê nhà trọ vẫn chưa cập nhật thông tin.

Em Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên Khoa Công trình thủy, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ở trọ tại khu vực phố Đại La (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Trước đây, giá điện em phải trả cho mỗi số điện từ 4.500 đến 5.000 đồng/kWh, đắt gấp 1,5 - 2 lần giá bán lẻ điện ở bậc thang cao nhất theo quy định. Sinh viên như chúng em chỉ dùng 1 bóng đèn, 1 cái quạt, 1 cái tủ lạnh nhỏ mà tháng nào cũng phải trả cả trăm nghìn tiền điện. Qua hướng dẫn trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng em đã lắp được công tơ mới để tính giá theo quy định là hơn 2.000 đồng/kWh. Khoản chi phí tiết kiệm cũng khá lớn đối với sinh viên, nhưng chúng em chỉ lo ngại việc các chủ nhà trọ sẽ tăng chi phí nước sạch, internet, vệ sinh... để bù vào chi phí bị giảm này”.

Một số sinh viên thuê trọ như Đạt hiện nay chưa đăng ký để ký hợp đồng trực tiếp với ngành Điện, do bận thi, và vẫn đang trả tiền điện tại các phòng trọ theo “quy định miệng” với các chủ nhà trọ. Phần nữa, nhiều bạn cũng không muốn phản ánh về việc thu tiền điện tại nơi ở của mình, vì lo chủ trọ gây khó dễ...

Về vấn đề này, ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đề nghị, người thuê trọ không nên “ngồi im” trông chờ cơ quan chức năng, mà chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Điện để được hưởng giá bán điện theo quy định.

Thêm nữa, cũng cần có các điều khoản hợp đồng rõ ràng với các chủ nhà trọ trong việc chi trả các dịch vụ khác như internet, nước sạch, vệ sinh… nhằm tránh tình trạng chủ nhà trọ tự ý nâng giá để bù các chi phí. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý những trường hợp thu sai giá điện theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người mua điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.