Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi nghiệp, sáng tạo: Để khát vọng thành hiện thực

Hương Ly - Nguyệt Ánh| 08/12/2018 06:54

(HNM) - Khởi nghiệp đã và đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, mang theo khát vọng của giới trẻ. Chặng đường không


Bài đầu: Hiện thực hóa khát vọng

Khởi nghiệp đã và đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, mang theo khát vọng của giới trẻ. Chặng đường không "rải hoa hồng" và luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức này không làm các doanh nhân trẻ nản chí, ngay cả khi thất bại, họ vẫn đứng dậy để tiếp tục hiện thực giấc mơ...

Thành công sau những gian nan

Đến thăm trang trại nuôi chim bồ câu có doanh thu mỗi năm lên tới hơn 2 tỷ đồng của tỷ phú Nguyễn Văn Phúc, ít ai nghĩ rằng, chàng nông dân trẻ này đã từng du học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Liên bang Nga. Sau khi về nước làm việc cho một trung tâm máy tính với thu nhập không cao, Nguyễn Văn Phúc quyết định về quê (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) nuôi chim bồ câu. Do thiếu kinh nghiệm, lứa chim đầu tiên đổ bệnh chết hàng loạt, anh gần như trắng tay. Không nản chí, anh quyết tâm đi học tập các mô hình thành công để làm lại từ đầu. Nỗ lực của anh đã được đền đáp với thành công. Gần 10.000 đôi chim bồ câu trong trang trại của anh tạo việc làm cho 30 thanh niên địa phương. Mô hình nuôi chim của Phúc đã được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng vinh danh nhà nông trẻ.

Thanh niên Thủ đô tìm hiểu không gian khởi nghiệp sáng tạo của Trường Đại học Điện lực. Ảnh: Bá Hoạt


Tương tự, khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên Đại học Hà Nội, Phan Viết Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giải pháp hệ thống thông tin ISS Việt Nam - đơn vị chủ quản mạng xã hội tuyển dụng Mywork cũng sớm nếm “trái đắng” khi mới 25 tuổi và gánh trên vai số nợ hơn 1 tỷ đồng. Vì thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản lý nên công ty của anh chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Nhưng không nản chí, anh quyết tâm làm lại bằng cách giành học bổng học cao học ở nước ngoài vì nhận ra, bản thân vẫn còn thiếu rất nhiều kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp thành công. Năm 2009, Phan Viết Hoàn về nước, tiếp tục gây dựng sự nghiệp lần thứ hai và đã thành công với mạng xã hội tuyển dụng - Mywork. Năm 2016, Mywork đoạt cúp Sao Khuê lần thứ ba. “Sau gần 10 năm khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thách thức, kinh nghiệm tôi rút ra là không bỏ cuộc trước thất bại”, Phan Viết Hoàn chia sẻ.

Cũng như bao doanh nhân trẻ giàu khát vọng, Phan Bá Mạnh đã khởi nghiệp lần đầu với ATO - giải pháp về mã vạch siêu thị, nhưng thất bại và lỗ gần 6 tỷ đồng. Anh quyết định làm lại từ đầu với việc xây dựng hệ sinh thái trong lĩnh vực giao thông, thông qua phần mềm quản lý điều hành An Vui. Và thành công đã đến với Phan Bá Mạnh khi Công ty Công nghệ vận tải An Vui đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, rót vốn.

Những mô hình khởi nghiệp đầy gian nan nhưng đều có chung một đích đến là thành công cho thấy, sự nỗ lực, kiên trì của doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, đứng lên sau thất bại để làm lại từ đầu. Đây chính là chìa khóa quan trọng để giấc mơ khởi nghiệp trở thành hiện thực.

10.000 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế

Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” khẳng định: “Khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp”. Với tinh thần đó, phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên đã và đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.

Sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy tế bào thực vật từ một dự án khởi nghiệp của thanh niên.


Đồng hành với giới trẻ hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, Trung ương Đoàn trong nhiệm kỳ 2017-2022 đã và đang thực hiện chương trình hỗ trợ vay vốn 10.000 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế. Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: Sau gần 2 năm phát động chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, các hoạt động cụ thể đã được triển khai. Nhiều thiết chế đã từng bước hình thành ở các địa phương. Tính riêng năm 2018, đã có 210 dự án khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ các cấp bộ Đoàn. Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức thành công các cuộc thi “Sáng tạo vì khát vọng Việt”, “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên”, “Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên nông thôn” và tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp trực tuyến toàn quốc cho hơn 8.000 thanh niên trên cả nước.

Đặc biệt, nhiều dự án đoạt giải đã nhận được số vốn đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều thanh niên có được cơ hội tham quan, học tập thực tế tại các quốc gia có hoạt động khởi nghiệp phát triển như: Mỹ, Israel. “Hầu hết các tỉnh, thành đoàn đều đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực cho thanh niên khởi nghiệp; thiết lập trung tâm hỗ trợ, “vườn ươm khởi nghiệp”…, với chỉ tiêu hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2018-2022”, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong thông tin thêm.

Phát biểu tại “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam 2018” vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sáng tạo là tài nguyên mới để khởi nghiệp; và bày tỏ mong muốn các bạn trẻ hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa những ước mơ và hoài bão của mình. “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, miễn là nó tạo cho bạn sống với ước mơ của mình và qua đó tạo ra giá trị cho xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp, sáng tạo: Để khát vọng thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.