Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đồng hành cùng khát vọng trẻ

Hương Ly - Nguyệt Ánh| 09/12/2018 07:14

(HNM) - Thiếu kinh nghiệm, khó tiếp cận nguồn vốn, đối diện những bất cập khi thực thi các thủ tục pháp lý… là những khó khăn mà các doanh nghiệp phải vượt qua trên con đường khởi nghiệp.

Trang trại nuôi bồ câu có doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Phúc.


Vẫn còn đó những thử thách

Mặc dù không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đã gặt hái được thành công, song trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp thất bại vẫn lên tới 90%. Điều này cho thấy con đường khởi nghiệp luôn ẩn chứa nhiều thử thách. Sau những thất bại trong ngày đầu khởi nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ vận tải An Vui - Phan Bá Mạnh đã rút ra những bài học đắt giá: “Đam mê là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ đối với khởi nghiệp. Nếu không tính toán đúng về thị trường, có kiến thức về điều hành, quản lý chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại”.

Còn tỷ phú nuôi chim bồ câu Nguyễn Văn Phúc lại cho rằng, khởi nghiệp không phải là con đường “trải thảm đỏ”. Khi bắt đầu kinh doanh, nghĩa là bạn đang dấn thân vào thử thách. Con đường khởi nghiệp rất gian nan, vất vả, có lúc trắng tay và có thể khiến nhiều người nản chí. Vì vậy, để bắt đầu kinh doanh, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường, đối thủ, sản phẩm và khách hàng…

Là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công, Giám đốc Công ty cổ phần Hệ sinh thái công nghệ Việt Nam (thương hiệu NHANONG24H) Nguyễn Đức Ninh chia sẻ: Doanh nghiệp khởi nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch để đối phó với khó khăn và tận dụng tốt cơ hội. Chỉ có những người dám nghĩ, dám làm, không quản ngại gian khó mới mong tìm đến đích thành công.

Phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp, Giám đốc điều hành Vexere.com Trần Nguyễn Lê Văn cho biết, việc gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện gặp nhiều thách thức.

“Một vòng gọi vốn mất từ 6 tháng đến 1 năm với nhiều thủ tục để giải ngân. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi phải vay mượn để tồn tại cho đến lúc nhận được tiền của nhà đầu tư. Tôi mong muốn các cơ chế, chính sách về giải ngân vốn cần rút ngắn về thời gian, để việc hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn”, anh Trần Nguyễn Lê Văn cho biết.

Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley Thạch Lê Anh lại chia sẻ, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài khi tới Việt Nam cũng đang gặp nhiều rào cản bởi các quy định pháp lý. “Chúng ta nên thành lập một tổ chức, bao gồm nhiều thành viên đại diện các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ kịp thời về chính sách, thủ tục cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Thạch Lê Anh đề xuất.

Ông Vũ Duy Thức, chuyên gia đến từ Silicon Valley kiến nghị, yếu tố quan trọng để tạo đột phá trong khởi nghiệp sáng tạo là nguồn nhân lực. Do đó, cần có chương trình giảng dạy về khởi nghiệp sáng tạo, giúp thế hệ trẻ tiếp cận sớm với những mô hình khởi nghiệp của thế giới.

Cùng gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện những cơ chế, chính sách để giảm các thủ tục hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Ngay cả thủ tục lập các quỹ đầu tư cũng được rút ngắn tối đa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng thông tin thêm, các bộ đang phối hợp để tổ chức các hoạt động hỗ trợ thông tin khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối truyền thông... Vốn ngân sách bố trí thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nói chung, trong đó một loạt các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần đã dành riêng một phần cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm tạo ra một cú hích cho khởi nghiệp sáng tạo từ nay đến năm 2025.

Bộ Tài chính cũng đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận, huy động nguồn vốn từ cộng đồng; có những chính sách ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Về nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng cho thanh niên, bên cạnh Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, còn có các đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Các đề án này đều chú trọng mục tiêu đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, tạo dựng sự kết nối giữa doanh nghiệp với học sinh, sinh viên để thành lập các chuỗi nghiên cứu, chuyển giao về khởi nghiệp.

Khẳng định Chính phủ cam kết bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.

Theo Thủ tướng, phải hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực, như: Quản trị, công nghệ, tài chính, marketing… để có được một “trái tim” hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thủ tướng cũng đề xuất hình thành một trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt sẽ đặt tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. “Trung tâm khởi nghiệp quốc gia phải thực sự là một cộng đồng sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, nơi các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển công nghệ và các cố vấn trong môi trường kỹ thuật số tương tác được mang đến gần nhau. Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia phải là một mạng lưới mở, nơi tập hợp các nhà khởi nghiệp, các nhân tài của Việt Nam với đối tác, bạn bè khắp năm châu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đồng hành cùng khát vọng trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.