Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu ứng tích cực từ phong trào thi đua

Đỗ Minh| 10/12/2018 07:00

(HNM) - Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ mang lại hiệu quả kinh tế.Ảnh: Sơn Hà


Nhiều mô hình hiệu quả

Khởi nghiệp từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân, ông Nguyễn Lợi Đức (tỉnh An Giang) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa giống và nuôi bò sinh sản áp dụng theo hướng công nghệ cao. Năm 2013, ông Đức bắt tay đầu tư trang trại chăn nuôi bò.

Với sự hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân, từ 100 con bò, đến nay trang trại của ông đã có 600 con, trong đó có hơn 300 con bò cái, mỗi năm cho ra đời hơn 200 con bê. Bò của trang trại được tuyển chọn từ những giống chất lượng cao, siêu thịt và mới nhập thêm các giống bò Australia, Thái Lan, Pháp… Với mô hình nuôi bò chất lượng cao và sản xuất lúa giống, trồng chuối tiêu xuất khẩu, hiện doanh thu hằng năm từ trang trại của ông Đức đạt hơn 10 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lãi hơn 5 tỷ đồng...

Tương tự, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, anh Ngô Trọng Hiển ở thôn Đông Cao, xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những nông dân điển hình được tuyên dương. Với diện tích 1,6ha, trang trại của anh Hiển đang nuôi 8.000 gà bố mẹ, mỗi năm xuất bán ra thị trường 100.000 con gà giống và 25.000 con gà thương phẩm. Theo anh Ngô Trọng Hiển, trung bình mỗi năm, trang trại thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ là địa chỉ cung cấp gà giống chất lượng cao uy tín, trang trại của anh Hiển còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp các hộ nông dân đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, các cấp hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện phong trào này. Hằng năm, bình quân hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 113,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra.

Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp hơn 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá hơn 15.000 tỷ đồng; đồng thời, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo...

Nâng cao chất lượng phong trào

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đạt về chiều sâu và chiều rộng, các cấp hội không ngừng đổi mới các hoạt động nhằm phát huy tối đa giá trị của phong trào. Cùng với đào tạo, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp hội còn vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất...

Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Hữu Trí (tỉnh Lâm Đồng) trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4ha, thu nhập 13,8 tỷ đồng/năm. Hay như cánh đồng mẫu lớn trồng mía ở Gia Lai; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu... qua đó, chất lượng phong trào được nâng lên.

Trong 5 năm qua, từ phong trào đã có hơn 2.200.000 hộ có thu nhập 100-200 triệu đồng/năm; hơn 775.000 hộ thu nhập 200-300 triệu đồng; hơn 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; hơn 27.000 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2007-2012.

Để phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân, bên cạnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cần có những chính sách về tín dụng giúp nông dân có nguồn vốn phát triển và mở rộng sản xuất.

Điển hình, tại Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân Hà Nội với tổng số vốn hơn 5.400 tỷ đồng, giúp hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân được vay vốn. Bên cạnh đó, hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp hơn 25.000 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 1.400 tỷ đồng.

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, các cấp hội cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/HNDTƯ ngày 4-7-2016 của Ban Chấp hành trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đổi mới nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; ưu tiên hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng tích cực từ phong trào thi đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.