Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nỗ lực từ nhiều phía

ANHTHU| 09/09/2006 08:15

Vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu  luôn là vấn đề thách thức với hầu hết doanh nghiệp (DN), nhất là DN  tư nhân ở Việt Nam. Về vấn đề này, PV  báo Hànộimới đã trao đổi với ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc Dịch vụ tài chính DN  Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC).

Vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩuluôn là vấn đề thách thức với hầu hết doanh nghiệp (DN), nhất là DNtư nhân ở Việt Nam. Về vấn đề này, PVbáo Hànộimới đã trao đổi với ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc Dịch vụ tài chính DNNgân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC).

- Hiện nay có tình trạng các DN cần vốn, nhưng vì những lý do nào đó mà ngân hàng không đáp ứng được. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Con số 16.000 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu ở Việt Nam là con số ấn tượng và tôi tin rằng con số này sẽ tăng hơn nữa khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo tôi, thực tế là đa số các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam hiện nay cho vay chủ yếu dựa trên tài sản bảo đảm. Điều này là cần thiết, nhưng đôi khi lại hạn chế khả năng phát triển kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Các DN này vừa cần nguồn vốn trung, dài hạn để mở rộng nhà xưởng, nâng cấp máy móc thiết bị, vừa cần nguồn vốn ngắn hạn để sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy, trong nhiều trường hợp giá trị tài sản không đủ để bảo đảm cho các khoản vay, dẫn đến việc các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Cũng phải nói thêm là có một số DN chưa quan tâm đến việc minh bạch tài chính khiến cho các ngân hàng thiếu niềm tin vào DN và dè dặt trong việc cho vay. Giải quyết tận gốc vấn đề vốn cho các DN vừa và nhỏ, theo tôi cần phải có nỗ lực và sự phối hợp hành động từ nhiều phía, trong đó có Chính phủ, các NHTM và cả các DN.

- Ông có thể cho biết HSBC quan tâm như thế nào đến cộng đồng DN xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với DN vừa và nhỏ khi Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO?

- HSBC được thành lập cách đây hơn 130 năm để tài trợ xuất nhập khẩu giữa châu á (trong đó có Việt Nam) và phần còn lại của thế giới. Phần lớn các khách hàng hiện tại của HSBC đều tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là đối tượng khách hàng chúng tôi đặc biệt quan tâm, trong đó có cả các DN vừa và nhỏ. Chúng tôi đã và đang tài trợ khá nhiều DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có DN nhà nước, Cty TNHH, HTX...

Với kinh nghiệm tài trợ xuất khẩu của mình, chúng tôi đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vốn của DN xuất khẩu vừa và nhỏ của Việt Nam để họ có thể đẩy mạnh xuất khẩu, với các điều kiện đơn giản, linh hoạt và đặc biệt là rất rõ ràng, minh bạch. Ngoài việc cung cấp vốn, HSBC còn cung cấp các dịch vụ như giao dịch xuất nhập khẩu trực tuyến, thông báo tín dụng thư xuất nhập khẩu bằng thư điện tử, dịch vụ tìm bộ chứng từ chuyển phát toàn cầu vàthông báo thư tín dụng nhanh... để giúp khách hàng có thể quản lý tài chính hiệu quả hơn, giảm rủi ro, tăng tốc độ giao dịch và tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, đối với các DN vừa và nhỏ còn thiếu kinh nghiệm trong trường hợp gặp khó khăn trong thanh toán, chúng tôi có thể hướng dẫn họ cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp và bảo đảm quyền lợi cho họ. HSBC đã, đang và sẽ tổ chức các khóa huấn luyện nghiệp vụ xuất nhập khẩu miễn phí cho các khách hàng tại Việt Nam để giúp nâng cao nghiệp vụ xuất nhập khẩu cho các nhân viên của họ.

- Gần đây các NHTM của Việt Nam đang tăng lãi suất nhằm huy động vốn; nhưng, trên thực tế hoàn toàn không phải là do nhu cầu vay vốn của DN Việt Nam. Là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, ông giải thích vấn đề này ra sao?

- Theo đánh giá của tôi, việc tăng lãi suất của các NHTM Việt Nam có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do tỷ lệ lạm phát tăng. Theo thống kê, tỷ lệ lạm phát trong 8 tháng đầu năm nay tăng 4,8% so với tháng 12 năm 2005 và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ hai, do lãi suất đồng USD được ấn định bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng, tạo nên áp lực cho đồng VND. Thứ ba, có thể là do Việt Nam sắp gia nhập WTO và sẽ mở cửa thị trường tài chính ngân hàng, điều này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 4-2007, các ngân hàng nước ngoài sẽ mở rộng quy mô và cách thức hoạt động giống như các ngân hàng trong nước. Điều đó có nghĩa là cạnh tranh sẽ tăng lên. Do đó, để chuẩn bị cho vị thế của mình khi “cuộc chơi” được nâng lên tầm cao mới, các NHTM Việt Nam muốn mở rộng thị phần phải liên tục tăng lãi suất để đạt được mục tiêu này. Cũng không loại trừ một lý do khác đó là các ngân hàng muốn tăng nhanh tổng tài sản của mình để tránh bị sáp nhập hay thôn tính bởi ngân hàng khác, đó là một xu hướng tất yếu khi thị trường tài chính ngân hàng được mở rộng và sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.

- Xin cảm ơn ông !

P.V (Thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nỗ lực từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.