Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng tất yếu

ANHTHU| 09/09/2006 08:18

So với các ngân hàng thương mại (NHTM) nước ngoài, hệ thống NHTM nước ta còn yếu kém về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý cũng như khả năng chống đỡ rủi ro. Do vậy, việc hình thành và phát triển các tập đoàn tài chính-ngân hàng (TC-NH) là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường dịch vụ tài chính mở cửa ngày càng sâu, rộng khi Việt Nam gia nhập WTO.

Hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) của Vietcombank tại khu đô thị Linh Đàm So với các ngân hàng thương mại (NHTM) nước ngoài, hệ thống NHTM nước ta còn yếu kém về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý cũng như khả năng chống đỡ rủi ro. Do vậy, việc hình thành và phát triển các tập đoàn tài chính-ngân hàng (TC-NH) là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường dịch vụ tài chính mở cửa ngày càng sâu, rộng khi Việt Nam gia nhập WTO.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng ( Ngân hàng Nhà nước), hệ thống các sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tín dụng trên thị trường còn nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ ngân hàng truyền thống (huy động và cho vay). Doanh thu từ hoạt động tín dụng chiếm hơn 70% trong tổng nguồn thu, tỷ lệ thu dịch vụ đạt 6-10%. Hiện nay, các ngân hàng trong nước mới cung cấp khoảng 300 dịch vụ trong khi một ngân hàng lớn trên thế giới có đến hàng nghìn dịch vụ. Cung cấp nhiều dịch vụ là thế mạnh của các ngân hàng nước ngoài, nhưng lại là những dịch vụ rất mới đối với các ngân hàng Việt Nam như tư vấn đầu tư, nghiệp vụ về hoán đổi… Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực mở rộng dịch vụ song còn rất nghèo nàn; các dịch vụ phí tín dụng như thanh toán, đầu tư, kinh doanh ngoại hối, tư vấn tài chính chưa phát triển; các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm hoặc thí điểm.

Trong khi các sản phẩm dịch vụ phát triển còn chậm, tính thống nhất giữa các ngân hàng lại không cao, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chi nhánh trong và ngoài hệ thống về lãi suất, tổ chức làm giảm hiệu quả kinh doanh. Các NHTM vẫn chủ yếu cạnh tranh bằng giá cả dịch vụ, mở rộng mạng lưới, chưa quan tâm đến cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, công nghệ, thương hiệu.

Theo ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam, tiềm lực tài chính là nền tảng quan trọng để xây dựng nên tập đoàn TC-NH. Mặc dù thời gian qua các ngân hàng tích cực tăng vốn điều lệ với mong muốn củng cố, nâng cao tiềm lực tài chính bằng việc phát hành cổ phiếu, chuẩn bị thu hút đầu tư nước ngoài trước khi Việt Nam gia nhập WTO; nhưng quy mô tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn quá nhỏ. Trong các NHTM Nhà nước, ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất là Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng chỉ có hơn 5 nghìn tỷ đồng. Mức vốn điều lệ bình quân của các NHTM Nhà nước chỉ vào khoảng 3,2 nghìn tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ đã cấp bổ sung vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước, song vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về vốn (vốn tự có/tài sản có rủi ro) theo thông lệ quốc tế là 8%. Vốn tự có của các NHTM Nhà nước còn thấp so với các ngân hàng trung bình trong khu vực.

Vấn đề năng lực quản trị điều hành hiện nay của các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, yêu cầu quản trị theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế là minh bạch, công khai về sở hữu, tài chính, hoạt động…, từ đó giảm các xung đột về lợi ích và rủi ro. Tuy nhiên, các NHTM Việt Nam chưa coi trọng vấn đề này, mà chủ yếu là hoạt động chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa xác định được kế hoạch trung, ngắn hạn hợp lý; chưa xây dựng được tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn để định hướng cho hoạt động. Cụ thể là quản trị kinh doanh ở các ngân hàng được thực hiện theo kinh nghiệm, các nhà quản trị NHTM Nhà nước hầu như chưa được đào tạo chuyên nghiệp, nên dẫn đến việc điều hành hằng ngày theo sự vụ. Nhiều cơ chế quản lý nhà nước quá chặt chẽ, chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng. Quyền, trách nhiệm, kể cả trách nhiệm vật chất đối với giám đốc, tổng giám đốc NHTM Nhà nước không rõ ràng, chưa khuyến khích được tính năng động, sáng tạo, nên hạn chế sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản trị. Chế độ sở hữu nhà nước đã tạo sự ỷ lại, trông chờ, làm giảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cán bộ quản lý nói riêng và người lao động nói chung. Điều đó thể hiện rõ khi các “ông chủ” này trong nhiệm kỳ của mình thực chất vẫn chỉ là công chức nhà nước hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, cố gắng làm tròn trách nhiệm, không để xảy ra sự cố trong đơn vị mình. Điều này gây nên hiện tượng “chảy máu” chất xám, cán bộ ngân hàng tinh thông nghiệp vụ, quản lý giỏi từ các NHTM Nhà nước chuyển sang các ngân hàng nước ngoài.

Các chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, để hình thành tập đoàn TC-NH, các NHTM Nhà nước cần cổ phần hóa, gắn liền với hiện đại hóa công nghệ, trình độ quản lý, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng có uy tín quốc tế mua cổ phiếu và tham gia quản lý điều hành ngân hàng. Với các NHTM, cần tăng tỷ trọng thu nhập/lợi nhuận, tăng tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu... Ngành chức năng cần sắp xếp lại và phát triển hệ thống NHTM cổ phần theo hướng tăng nhanh, mạnh về tiềm lực tài chính gắn với nâng cao trình độ quản trị, quản lý ngân hàng và tiếp tục cạnh tranh tăng vốn điều lệ, từ đó loại bỏ những NHTM cổ phần không có hoặc ít có sức cạnh tranh; thực hiện đúng các cam kết quốc tế về mở cửa khu vực TC-NH, đồng thời tranh thủ các nguồn lực tài chính bên ngoài để nâng cao tiềm lực tài chính của các NHTM cổ phần, trên cơ sở tuân thủ các cam kết quốc tế về cho phép thành lập và hoạt động của các NHTM 100% vốn nước ngoài, chi nhánh NHTM nước ngoài, NHTM liên doanh với nước ngoài...

Thanh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.