Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

18/06/2011 08:16

Gia đình tôi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất với người khác. Đề nghị luật sư cho biết, chúng tôi có thể giải quyết bằng hình thức nào, ở đâu? Nguyễn Quốc Thắng (quận Hoàng Mai)

Gia đình tôi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất với người khác. Đề nghị luật sư cho biết, chúng tôi có thể giải quyết bằng hình thức nào, ở đâu?
Nguyễn Quốc Thắng (quận Hoàng Mai)


Luật sư Đào Duy Hoằng (VP luật sư Trường Tín, web: luattruongtin.com.vn) trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tranh chấp đất đai được giải quyết qua các thủ tục sau: Thủ tục hòa giải, thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng.

Thủ tục hòa giải

Điều 135 Luật Đất đai (LĐĐ) quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nơi có đất tranh chấp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp không hòa giải được tại UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Thủ tục hành chính

Theo Điều 136 LĐĐ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính gồm có chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện), chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT). Cụ thể, các cơ quan trên có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà đương sự không có giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 LĐĐ.

Thủ tục tố tụng

Trường hợp đương sự có sổ đỏ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 LĐĐ và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì vụ việc do Tòa án nhân dân giải quyết. Các giấy tờ về đất đai được quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 LĐĐ bao gồm: những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15-10-1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam DCCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam; giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho QSDĐ hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất; giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10-1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15-10-1993; giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; giấy tờ về việc chuyển QSDĐ có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày LĐĐ có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ theo quy định của pháp luật, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp; bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, ông Nguyễn Quốc Thắng có thể lựa chọn thủ tục giải quyết việc tranh chấp đất đai phù hợp với tình trạng đất mà gia đình ông đang sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.