Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về thỏa thuận không phân chia di sản thừa kế

23/05/2013 07:07

Bố mẹ tôi trước đây sinh sống và có nhà đất tại Quảng Bình (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai cụ). Bố mẹ tôi đã mất và không để lại di chúc. Ngoài tôi, bố mẹ còn một người con khác (là anh trai tôi). Xin hỏi, quyền thừa kế của anh em tôi được pháp luật quy định như thế nào? Chúng tôi muốn thỏa thuận không phân chia di sản thừa kế thì cần thực hiện văn bản khai nhận di sản như thế nào? Hoàng Ngọc Tống (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Bố mẹ tôi trước đây sinh sống và có nhà đất tại Quảng Bình (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai cụ). Bố mẹ tôi đã mất và không để lại di chúc. Ngoài tôi, bố mẹ còn một người con khác (là anh trai tôi). Xin hỏi, quyền thừa kế của anh em tôi được pháp luật quy định như thế nào? Chúng tôi muốn thỏa thuận không phân chia di sản thừa kế thì cần thực hiện văn bản khai nhận di sản như thế nào?
Hoàng Ngọc Tống (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:


- Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 675, Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS), trong trường hợp bố mẹ ông mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 676, BLDS, những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Như vậy, theo quy định trên, hai anh em ông có quyền thừa kế di sản của cha mẹ và mỗi người được hưởng một nửa di sản cha mẹ để lại.

Theo quy định tại Điều 50, Luật Công chứng 2006, những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản. Đồng thời, Điều 37, Luật Công chứng quy định: Thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản: 1. Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này; 2. Công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.

Theo đó, trong trường hợp hai anh em ông thỏa thuận không phân chia di sản là quyền sử dụng đất thì có thể tới phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình để tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 35 và khoản 2, 3, 4, Điều 49, Luật Công chứng 2006, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản là quyền sử dụng đất như sau: Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng, gồm các giấy tờ sau đây: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; dự thảo văn bản khai nhận di sản; bản sao giấy tờ tùy thân; các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản; các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến việc công chứng văn bản khai nhận di sản mà pháp luật quy định phải có. Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính. Khi nộp bản sao, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về thỏa thuận không phân chia di sản thừa kế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.