Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

30/11/2013 07:06

Tôi và cô Nguyễn Thị H. ly hôn từ năm 2005, khi đó Tòa án đã trao quyền nuôi hai con chung của chúng tôi (sinh năm 2000 và 2003) cho cô H. Nay cô H. đã đưa hai con ra nước ngoài sinh sống mà không hỏi ý kiến của tôi. Xin hỏi quý báo, tôi có thể khởi kiện tại Tòa án yêu cầu thay đổi người nuôi con được không? Hiện nay, tôi không biết cô H. đăng ký thường trú tại đâu thì có khởi kiện được không? Nguyễn Thanh Tùng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Tôi và cô Nguyễn Thị H. ly hôn từ năm 2005, khi đó Tòa án đã trao quyền nuôi hai con chung của chúng tôi (sinh năm 2000 và 2003) cho cô H. Nay cô H. đã đưa hai con ra nước ngoài sinh sống mà không hỏi ý kiến của tôi. Xin hỏi quý báo, tôi có thể khởi kiện tại Tòa án yêu cầu thay đổi người nuôi con được không? Hiện nay, tôi không biết cô H. đăng ký thường trú tại đâu thì có khởi kiện được không?
Nguyễn Thanh Tùng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Căn cứ Điều 93, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên.

Theo Điều 27, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Vì vậy, nếu bạn có căn cứ cho rằng việc chị H. đưa con ra nước ngoài sinh sống sẽ không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Căn cứ quy định tại các Điều 33, 34 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nếu tranh chấp về hôn nhân và gia đình mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cho Tòa án nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự thì nếu không biết nơi cư trú, làm việc của chị H, bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi chị H. cư trú, làm việc cuối cùng giải quyết. Nếu chị H. không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.