Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực chất các khoản nộp "tự nguyện"

ANHTHU| 17/09/2009 07:08

(HNM) - Tại sao năm nào cũng cứ vào mỗi dịp khai giảng là câu chuyện về đóng góp, lạm thu lại ồn ào. Trong một số báo ra trước ngày khai trường, Hànộimới cũng đề cập: Không được thu những khoản ngoài quy định, không được thu gộp vào đầu năm học, nơi nào vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm... là những chỉ đạo kiên quyết của ngành giáo dục.

(HNM) - Tại sao năm nào cũng cứ vào mỗi dịp khai giảng là câu chuyện về đóng góp, lạm thu lại ồn ào. Trong một số báo ra trước ngày khai trường, Hànộimới cũng đề cập: Không được thu những khoản ngoài quy định, không được thu gộp vào đầu năm học, nơi nào vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm... là những chỉ đạo kiên quyết của ngành giáo dục. Vậy tại sao vẫn có trường "lách luật", "núp bóng" chủ trương xã hội hóa giáo dục hay tinh thần "tự nguyện", đề ra những khoản thu không thể lý giải về tính hợp lý, gây bức xúc trong xã hội?

Có lẽ khó trách cứ được các bậc phụ huynh, dù "con học thóc vay" đi chăng nữa thì bậc sinh thành nào mà chẳng cố. Còn về phía nhà trường, vì trong điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi còn khó khăn, lương bổng cán bộ giáo viên còn thấp và đặc biệt là sức ép về sự quá tải trong giáo dục quá cao thì việc sân siu cũng dễ hiểu. Cái đáng nói chính là công tác quản lý trong ngành dường như vẫn còn có những lỗ hổng. Lâu nay vi phạm về lạm thu không bị xử lý, hoặc chỉ bị xử lý lẻ tẻ và nhẹ nhàng. Có những cấp cán bộ quản lý giáo dục dù quá hiểu chuyện ấy tác động xấu đến xã hội như thế nào, song vẫn "làm ngơ" với quan điểm các khoản đóng góp ấy đều là "tự nguyện", có sự "thỏa thuận" của cha mẹ học sinh, là tận dụng các nguồn lực xã hội, là xã hội hóa... Thế mới có chuyện ở một trường nọ, trong số 23 khoản thu chỉ có duy nhất một khoản thu học phí 2 buổi mỗi ngày là đúng quy định, còn lại chúng được mang những cái tên hết sức phi lý như "hao mòn đồ dùng", "vật kỷ niệm", quỹ "chăm sóc cây", "tiền bảo hiểm điện", "hao mòn đồ dùng", thậm chí có nơi thu cả tiền để "lắp điều hòa", "mua laptop và máy chiếu"...

Thực tế cũng không có nhiều trường "dại" mà điểm mặt chỉ tên các khoản thu. Thế nhưng để tranh thủ cảm tình của thầy, cô giáo và nhà trường, thì nhiều cha mẹ học sinh cũng có "sáng kiến" muốn nộp các khoản đóng góp vô lý. Song vấn đề ở chỗ là chính nhà trường đã không có thái độ dứt khoát để hạn chế nó, mà cố coi nó xuất phát từ sự "tự nguyện", "đẩy" những khoản thu nặng sang hội phụ huynh nên vô hình trung đã khuyến khích, tạo điều kiện để các khoản lạm thu ấy có đất sống.

Có người đặt câu hỏi, vậy không thu thêm các khoản quỹ trường, quỹ hội ngoài quy định có được hay không? Xin trả lời rằng, thế lại làm khó nhà trường vì trường nào cũng có muôn vàn thứ phải chi phí, nào là thi đua khen thưởng, phong trào đoàn hội, văn hóa, thể thao... Mà đâu phải trường nào cũng có đủ kinh phí. Vì thế dù muốn hay không thì trường vẫn cần "nương tựa" vào các quỹ.

Một cán bộ tài chính của ngành giáo dục Thủ đô đã từng khẳng định trên báo chí: Không thể chấp nhận được việc có trường thu tiền của phụ huynh để sửa chữa nhỏ. Càng không thể chấp nhận việc các trường đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi khi có ý kiến về các khoản thu ngoài quy định. Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện "3 công khai, 4 kiểm tra" trong các cơ sở giáo dục để người học và xã hội giám sát, đánh giá. Hy vọng rằng chương trình này sẽ được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả như phong trào "hai không" mà ngành giáo dục đã triển khai để sớm dẹp bỏ một vấn đề bức xúc trong xã hội bấy lâu.

Quỳnh Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực chất các khoản nộp "tự nguyện"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.