Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái chốt của một đề án lớn

ANHTHU| 18/09/2009 07:11

(HNM) - Đề án

(HNM) - Đề án "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đang được Bộ NN&PTNT xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan.

Theo đề án này, từ nay đến 2010 phấn đấu sẽ quy hoạch xong 100% xã nông thôn mới; đến năm 2020, trên 50% số xã đạt chuẩn, cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tăng thu nhập của người dân lên gấp 2,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%... Với quy mô như vậy, có thể thấy đây là một bước đột phá trong việc xây dựng nông thôn, khu vực có gần 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 1/4 tổng GDP và 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, trung bình mỗi xã cần đầu tư 120-150 tỷ đồng, trong đó có khoảng 6-7 hạng mục dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc một phần (từ 30% đến 90%) tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ. Có thể nói, khoản kinh phí đầu tư để thực hiện đề án này không hề nhỏ. Dù vẫn còn không ít khó khăn và nhiều việc phải làm, song chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện bởi đó chính là đòn bẩy nhằm phát triển khu vực nông thôn, khu vực có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế về an ninh lương thực và an sinh xã hội. Tuy nhiên, với đề án này, vấn đề kinhphíđầutư mới chỉ là một khía cạnh. Như ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu trong buổi tọa đàm (diễn ra ngày 16-9) thì quan trọng hơn là phải phát huy được tính tự chủ của người dân. Nói cách khác, mục tiêu cao nhất của đề án là phải phát huy được nội lực của người nông dân.

Sự hỗ trợ kinh phí là cần thiết nhưng hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ nếu như bản thân đối tượng chính của đề án là người nông dân lại trông chờ, ỷ lại, thiếu sự vận động. Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT): Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ nhằm xây dựng con đường, kênh mương, trường học... mà cái chính là phải để người nông dân hiểu rõ được nội dung, ý nghĩa và thúc đẩy họ tự tin, tự quyết, đưa ra sáng kiến, tham gia tích cực để tạo ra một nông thôn mới năng động hơn. Khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề tiền bạc, mà là tạo chuyển biến trong nhận thức để người dân tự ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, hiểu được cách làm và để họ tham gia trực tiếp vào quá trình đó. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, cần phải xác định đây không phải dự án đầu tư của Nhà nước, mà là việc người dân cần làm nhằm cải thiện cuộc sống và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Trên thực tế, có rất nhiều dự án mà đơn vị thực hiện coi như chương trình đầu tư, kinh phí cấp đến đâu thì "thụ hưởng" đến đó, khi "bầu sữa mẹ" cạn, mọi việc đâu lại vào đấy, như chưa từng có những dự án như vậy. Trong kinh tế, lợi nhuận chính là thước đo hiệu quả đầu tư. Việc đầu tư vào khu vực nông thôn là đặc biệt cần thiết đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được qua đầu tư chỉ có được khi bản thân đối tượng của đề án là người nông dân biết phát huy nội lực của mình.

Lê Nhật Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái chốt của một đề án lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.