Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế và tinh thần trách nhiệm

ANHTHU| 21/09/2009 07:13

(HNM) - Sáng 19-9, thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành Cung Thi đấu điền kinh trong nhà vào dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Thủ đô (10-10). Công trình được gắn biển

(HNM) - Sáng 19-9, thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành Cung Thi đấu điền kinh trong nhà vào dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Thủ đô (10-10). Công trình được gắn biển "Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Cung Thi đấu điền kinh trong nhà có quy mô vốn đầu tư 500 tỷ đồng; diện tích xây dựng 34.062m2, với 3 tầng sàn diện tích 12.225m2, có 3.094 chỗ ngồi, trong đó có 588 ghế có thể di động; cùng lúc phục vụ thi đấu nhiều môn điền kinh.

Toàn bộ quá trình thi công, hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng, vẻn vẹn chỉ có 13 tháng. Ngày 1-7-2008, khởi công công trình. Ngày 1-9-2009, đã phải bàn giao để kịp đưa vào sử dụng vào ngày 30-10 - ngày khai mạc Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3. Một công trình xứng đáng nhận được kỷ lục hoàn thành nhanh về tốc độ thi công ở Thủ đô và ở nước ta.

Từ tâm trạng âu lo, đến nay ai cũng vui mừng đến mức ngạc nhiên là một công trình có quy mô vốn không nhỏ, yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật khá khắt khe, một công trình vừa thiết kế vừa thi công nhưng đã hoàn thành đúng tiến độ. Với chúng ta, việc những công trình hoàn thành đúng tiến độ quả là rất hiếm, chưa nói lại là tiến độ rất gấp. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, kinh tế diễn ra hết sức gay gắt, thành phố Hà Nội đã thực hiện thành công chủ trương kích cầu của Chính phủ bằng một công trình cụ thể, thiết thực, mang nhiều ý nghĩa.

Trong ngày khánh thành công trình, những cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện đều đánh giá cao năng lực và quyết tâm của các đơn vị thi công: trước hết là Tổng thầu COMA liên doanh cùng nhà thầu CSIC (Trung Quốc); đánh giá cao tinh thần phối kết hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; của đơn vị chủ đầu tư là Sở Xây dựng thành phố, của các cơ quan giải quyết vốn và kiểm toán... Đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hết sức sát sao của lãnh đạo thành phố Hà Nội...

Trong những nguyên nhân vừa kể, có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng. Đó là công trình này được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao thành phố lựa chọn chỉ định nhà thầu cùng với cơ chế ưu tiên về cấp vốn. Với cơ chế đó, thành phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chọn một nhà thầu có thực lực, có năng lực và kinh nghiệm, có quyết tâm giữ đúng lời hứa về tiến độ và chất lượng thi công công trình... Thành phố đã chỉ định cơ quan chủ đầu tư là Sở Xây dựng. Đến lượt từng đơn vị, phải lựa chọn những cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trước công việc được giao.

Nếu không có được một cơ chế đặc thù, với 400 ngày, có lẽ chúng ra đang còn loay hoay giải quyết chưa xong các thủ tục xây dựng. 400 ngày... chắc gì đã xong khâu xét thầu thiết kế chứ đừng nói gì đến thi công, đến nghiệm thu, đến bàn giao công trình...

Đây là một ví dụ vô cùng sinh động nói lên tầm quan trọng của vấn đề cơ chế... Để quản lý kinh tế và xã hội, các quy định, các thủ tục là bắt buộc phải có. Nhưng đó phải là những quy định mang tính khoa học. Còn những thủ tục máy móc, cứng nhắc thì chỉ góp phần làm thui chột sáng kiến và trách nhiệm cá nhân, thậm chí là nơi ẩn náu của những tiêu cực.

Có thể vẫn có ý kiến cho rằng, nếu đấu thầu, biết đâu công trình sẽ được bỏ giá thấp hơn. Điều đó là hoàn toàn có thể, nhưng rồi sau đó (và cả trước đó nữa) với bộ máy khổng lồ của chúng ta, với tầng tầng, lớp lớp các thủ tục hành chính, buộc chủ đầu tư và đơn vị thi công phải chi phí cho biết bao nhiêu là thủ tục, biết bao là công đoạn. Đồng vốn tiết kiệm được lại "lỗ hà ra lỗ hổng". Tất cả những chi phí đó chắc chắn là phải lấy từ công trình bằng cách này hay cách khác. Và rồi điều mà chúng ta có thể khẳng định là công trình sẽ chậm hoàn thành. Sự lãng phí về thời gian, chậm đưa công trình vào khai thác sử dụng là bao nhiêu nào có ai mà tính được.

Từ một công trình vừa mới hoàn thành, thêm một lần chúng ta nghĩ suy về vấn đề đổi mới cơ chế và nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bộ máy và cán bộ của chúng ta.

Minh Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế và tinh thần trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.