Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thừa thì sao ?

ANHTHU| 23/09/2009 07:13

(HNM) -

(HNM) - "Khó tránh khỏi nguy cơ thừa thép". Đó là nhận định của nhiều tờ báo trong những ngày qua. Lý do bởi thép nhập ngoại luôn "rình rập" tràn vào, thép sản xuất trong nước cung đã vượt xa cầu, đẩy ngành thép lâm vào tình trạng "bội thực".

Nhưng đáng chú ý hơn là chỉ vài tháng nữa, ngành thép sẽ bổ sung ít nhất 2 triệu tấn do một số dự án đi vào hoạt động, nâng tổng lượng thép ra thị trường lên đến 7 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, nhu cầu thép tối đa trong nước chỉ khoảng 4,6 triệu tấn. "Việc thừa hơn 2,5 triệu tấn thép hiển hiện khá rõ nếu nhu cầu đúng như dự báo" - một phó chủ tịch Hiệp hội Thép cũng nhận định như vậy.

Câu chuyện về "khủng hoảng thừa" sản phẩm của ta chẳng phải là chuyện mới. Từ lâu rồi chúng ta đã quá quen đến mức coi là bình thường với những thông tin như "nguy cơ thừa xi măng", "đối mặt với nguy cơ dư phân bón", "nguy cơ thừa mía", "lại có nguy cơ ế lúa gạo", "khủng hoảng thừa cá tra", rồi đến cả những thứ "lẻ tẻ" như rau quả, nông sản hằng năm ở chỗ này, chỗ kia vẫn xảy ra hiện tượng người nông dân phải cắn răng đổ bỏ.

Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu thì ai cũng rõ, khi sản lượng vượt quá xa so với nhu cầu của thị trường thì hệ quả đương nhiên là ế. Song một lý do không kém quan trọng đó là vấn đề chiến lược phát triển của từng ngành hàng, cũng như công tác quản lý, dự báo và điều tiết thị trường vẫn thể hiện rõ nét sự yếu kém. Với ngành thép, chính ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cũng phải lên tiếng, rằng "Đã khuyến cáo rất nhiều lần ở nhiều cấp bộ, ngành, địa phương, thậm chí cứ có doanh nghiệp mới nào tìm đến Việt Nam muốn đầu tư vào thép xây dựng chúng tôi đều cho biết nhu cầu thực tiễn lẫn công suất hiện hữu của ngành. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư vào lĩnh vực này".

Vấn đề ở chỗ, trước "nguy cơ" khủng hoảng thừa như vậy thì hướng nào để tháo gỡ? Nhiều người đặt vấn đề chuyển hướng sang xuất khẩu. Song điều này hẳn không dễ vì thị trường xuất khẩu hiện còn khá hạn hẹp và sẽ phải cạnh tranh khá mạnh do các nước cũng đang ở tình trạng thừa thép. Khả năng tới đây thị trường thép sẽ buộc phải có sự điều chỉnh giảm giá. Thế nhưng đây chỉ là giải pháp ứng phó tạm thời. Còn về lâu dài nếu ta không có định hướng tiết giảm sản lượng và ổn định thị trường thì chắc chắn sẽ còn phải đối mặt dài dài với những "nguy cơ" như trên. Bài học này không chỉ riêng với ngành thép mà còn cần phải được lưu tâm với nhiều ngành hàng khác.

Cuối tuần qua, dư luận đã được biết đến việc nhiều cánh đồng của các nước châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... trắng một màu của sữa khi nông dân ở các nước này đổ bỏ hàng triệu lít sữa nhằm phản ứng với chiến lược điều tiết không hợp lý khiến giá sữa tụt giảm thê thảm, nông dân sản xuất không đủ bù vốn. Tất nhiên, ở ta việc bỏ đi sản phẩm thừa là điều ít có khả năng xảy ra. Nhưng sự kiện "cơn thịnh nộ trắng" ở châu Âu cũng nên xem như một lời cảnh báo, một bài học hữu ích. Sự phát triển ngành nghề theo phong trào, sự liên kết rời rạc giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, thiếu định hướng thị trường đã dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm và việc chưa sản xuất đã lo thừa sản phẩm là điều khó tránh khỏi.

Nữ Quỳnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa thì sao ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.