Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân bánh, nhân tâm

ANHTHU| 24/09/2009 07:15

(HNM) - Trung thu đang đến từng ngày. Trẻ nhỏ thì háo hức chờ mong, mà người lớn thì hoang mang, lo ngại. Nghĩ đến bánh Trung thu, một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa là thế, mà bây giờ phải cân nhắc mua hay không?

(HNM) - Trung thu đang đến từng ngày. Trẻ nhỏ thì háo hức chờ mong, mà người lớn thì hoang mang, lo ngại. Nghĩ đến bánh Trung thu, một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa là thế, mà bây giờ phải cân nhắc mua hay không?

Bởi, sau hàng loạt vụ sản xuất và tiêu thụ "mỡ bẩn", dư luận cho rằng, nhân bánh được chế biến bằng mỡ động vật thối, mất an toàn vệ sinh. Chưa hết, bánh thật, bánh giả lẫn lộn. Bánh Trung thu "3 không" (không bao bì, không xuất xứ, không ngày sản xuất - hạn sử dụng) xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường cùng với tình trạng tuồn "bánh giả" vào hộp thật cũng phổ biến và tinh vi hơn. Vậy là, không chỉ người tiêu dùng lo lắng mà nhà sản xuất chân chính cũng "sốt vó", lo thương hiệu của mình bị ảnh hưởng.

Đích đến của hàng chục tấn mỡ, bì động vật hiện vẫn đang được lực lượng Cảnh sát môi trường điều tra. Nhưng sự nghi ngờ một số cơ sở sản xuất sử dụng mỡ động vật làm nhân bánh Trung thu, không phải không có nguyên do. Song, dù có chế biến kiểu gì đi nữa, thì chuyện ngộ độc khi sử dụng là khó tránh và đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những căn bệnh hiểm nghèo. Từ 259 tấn thịt nhập khẩu nhiễm khuẩn được phát hiện cách đây hơn một tháng ở thành phố Hồ Chí Minh đến hàng chục tấn mỡ động vật thối từ một huyện miền Trung chuyển đi các nơi trong đó có Hà Nội để tiêu thụ, đã và đang gây kinh hoàng cho mọi người. Và cách đây 3 ngày, Công an quận Hà Đông lại phát hiện tại kho hàng của một tư nhân ở xã Dương Nội có 10.000 lít mỡ động vật đựng trong thùng phuy hóa chất... Nghĩa là vẫn còn những cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình đánh mất chữ tín, chữ tâm với người tiêu dùng.

Nếu lô thịt ở TP Hồ Chí Minh kia được đưa ra thị trường và nếu hàng chục tấn "mỡ bẩn" được sử dụng để làm nhân bánh, hay rán đồ ăn, thì không biết tai họa cho người tiêu dùng sẽ đến đâu? Mầm bệnh từ đây mà ra! Để bảo đảm thực phẩm trên thị trường đạt tiêu chuẩn an toàn, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho ba bộ, ngành: Bộ Y tế kiểm soát chất lượng thực phẩm ở bàn ăn; Bộ NN&PTNT kiểm soát ở khâu nuôi trồng, chế biến, vệ sinh thú y; Bộ Công thương kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Thế nhưng dư luận đặt câu hỏi vì sao hàng trăm tấn thịt nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn, vẫn không bị phát giác? Vì sao lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý thị trường đông đảo là thế mà vẫn để lọt bao nhiêu vụ vận chuyển mỡ, xương, da động vật thối đi tiêu thụ? Còn nhớ, đã có lúc người ta từng phải chi tới nửa tỷ đồng tiền điện để bảo quản một kho giò chứa hàn the biết là không thể sử dụng; rồi chỉ vì chậm xử lý tiêu hủy khiến những "kho" chứa thực phẩm thối rữa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Thua thiệt về kinh tế thì có thể tính đếm được, nhưng hậu quả đến sức khỏe con người sao có thể tính nổi?

Ở đây, không chỉ riêng nhà sản xuất chân chính mà cả đông đảo người tiêu dùng đều mong muốn các cơ quan chức năng, nhất là cán bộ quản lý thị trường các địa phương sớm vào cuộc và quyết liệt truy lùng đến tận nơi sản xuất bánh Trung thu giả, kém chất lượng để xử lý, giúp người tiêu dùng không phải "tiền mất tật mang" để nhà sản xuất chân chính khỏi ảnh hưởng thương hiệu. Việc đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội đang vào cuộc khẩn trương kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu và đã phát hiện, đình chỉ một số cơ sở sản xuất ở quận Hà Đông do không bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm, sử dụng nhãn mác không đúng quy định, cùng với việc các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra đường dây vận chuyển thịt mỡ động vật thối rữa là rất cần thiết. Động thái tích cực này sẽ góp phần làm yên lòng người tiêu dùng.

Sông Bằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân bánh, nhân tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.