Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể cứ lỗ là tăng giá

Nữ Quỳnh| 26/11/2011 06:34

(HNM) - Trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Hai bộ Tài chính - Công thương đã thống nhất xác định giá điện năm 2012 lấy theo giá thành sản xuất của năm 2011 và các chi phí về đầu vào cùng chênh lệch tỷ giá.


Theo phương án này, giá thành của điện là 1.242 đồng và tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay. Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh, giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng "ở mức kiềm chế, rất kiềm chế".

Trước đó vài ngày, TP Hà Nội cũng đã có đề xuất phương án điều chỉnh mức phí trông giữ xe, tại 10 quận và huyện Từ Liêm, phí trông giữ xe máy sẽ là 3.000-5.000 đồng/ngày; 5.000 đồng/đêm. Phí trông giữ xe máy, xe đạp cả ngày đêm được đề xuất 8.000-10.000 đồng/xe máy và 4.000 đồng/xe đạp.

Một thông tin khác mới hơn, Bộ Tài chính đang xây dựng khung giá bán nước sạch, với khung cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tối đa là 18.000 đồng/m3 (gấp gần 4 lần giá phổ biến hiện hành), riêng vùng ven biển tối đa 23.400 đồng/m3. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng theo lộ trình, đến năm 2013 cao nhất là 11.400 đồng/m3 (chưa tính thuế, phí), còn Hà Nội khẳng định chưa có chủ trương tăng giá nước.

Như vậy, dù mới là dự kiến, song một loạt thông tin liên tiếp đề xuất tăng giá những sản phẩm thiết yếu, gần với đời sống sinh hoạt nhất, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Nước sạch liên quan mật thiết với cuộc sống, sức khỏe, vệ sinh của người dân. Hay nói đúng hơn là thứ cần thiết không thể thiếu, như không khí để thở vậy. Nhưng vì sao bỗng dưng giá nước có thể tăng đến 4 lần, tức là tăng 350% so với giá hiện hành? Nếu giá nước tăng thì nó có thể sẽ trở thành một món hàng xa xỉ với đa số người lao động nghèo. Liệu việc tăng giá nước có làm người dân cùng cực quá mà tiết kiệm, rồi ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra dịch bệnh...

Với điện cũng vậy, vốn là một mặt hàng đặc biệt thiết yếu với mọi gia đình và với sự phát triển của đất nước. Ở thành phố, chỉ một ngày thiếu điện đã thấy vô cùng khó khăn. Còn việc có ánh sáng điện từ lâu vẫn là một mơ ước với biết bao vùng quê nghèo hẻo lánh. Nhiều nơi đến nay giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ. Điện giá thấp còn dùng hà tiện, giá cao rồi thì có dám dùng nữa không. Đó là chưa kể đến những tác động về kinh tế xã hội, tác động về tăng giá mà lâu nay chúng ta đã nói, nghe và trực tiếp bị tác động rất nhiều. Ngay như phí trông giữ xe, tuy không phải là thiết yếu, nhưng lại gắn chặt với cuộc sống hằng ngày. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2010 khoảng 37 triệu đồng thì một ngày gửi một lần xe máy đã phải bỏ ra chừng 5% thu nhập. Con số ấy cũng không nhỏ.

Xin không bàn đến các yếu tố kinh doanh hay quản lý, lỗ lãi. Chỉ xin đặt một vấn đề rằng, điện hay nước sạch là một nhu cầu thiết yếu và ở một góc độ nào đó Nhà nước phải có trách nhiệm lo cho dân, kinh tế phát triển thì người dân phải được hưởng lợi chứ không phải cứ nhất nhất thứ gì cũng thấy lỗ là tăng giá. Trước khi quyết định tăng giá nước sạch, giá điện hoặc giá những sản phẩm liên quan mật thiết tới đời sống thì đó là những quyết định có ảnh hưởng rất lớn, chúng ta cần có nghiên cứu cụ thể về nhiều mặt, lợi thế nào và không lợi thế nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể cứ lỗ là tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.