Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ bệnh để bốc thuốc

Hoàng Thu Vân| 31/10/2012 06:12

(HNM) - Trong phiên thảo luận tại diễn đàn Quốc hội sáng 30-10 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 có nhiều ý kiến phát biểu rất đáng lưu ý. Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đã đặc biệt nhấn mạnh tác động của "quốc nạn" tham nhũng, lãng phí tới nền kinh tế đất nước. Có thể thấy, những vấn đề này là không mới nhưng được đặt dưới những góc nhìn khá mới mẻ với viện dẫn thuyết phục.

Về nạn tham nhũng, theo đại biểu, hậu quả của nó là làm khuynh đảo cơ chế, chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin, suy kiệt nhựa sống xã hội. Về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" cũng đã nhận định và đánh giá là do: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Chắc chắn tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nạn tham nhũng có những ảnh hưởng nhất định và để lại hậu quả vô cùng to lớn. Chỉ tính riêng tại Vinashin, số tiền thất thoát đã lên tới 107 nghìn tỷ đồng. Với số tiền đó, chúng ta đủ để đầu tư xây thêm 214 nghìn phòng học hoặc 107 nghìn nhà văn hóa hay 53 nghìn trạm xá. Với khoảng 11 nghìn xã, phường trong cả nước, số tiền này đủ để mỗi xã, phường có thêm 20 phòng học hoặc 10 nhà văn hóa hay 5 trạm xá… Và đặc biệt, nếu không thất thoát số tiền 107 nghìn tỷ đồng tại Vinashin, chúng ta sẽ không phải lùi thời hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn bổ sung cho ngân sách. Vậy nhưng, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thời gian vừa qua ngành chức năng đã tổ chức thanh tra trên 62 nghìn vụ việc, đã chuyển cơ quan điều tra 464 vụ việc (chiếm 0,6%). Có lẽ với từng ấy số vụ việc "có vấn đề "thì nạn tham nhũng tại Việt Nam chưa đến mức đáng lo như đã nêu ở trên. Từ lập luận đó, đại biểu Lê Như Tiến đã chuyển tới diễn đàn Quốc hội mối quan tâm của ông cũng như của nhiều đại biểu khác, đó là liệu có xu hướng hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng hoặc nắn dòng, bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra?

Một vấn đề khác cũng được đề cập là trong khi tham nhũng bị coi là tội phạm thì lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm. Vậy nên có chuyện đầu tư hàng trăm nghìn USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, cảng hàng không, xây dựng nhà máy xi măng, cán thép… không hiệu quả thì không có cá nhân nào bị truy tố trước pháp luật dù thiệt hại là không nhỏ. Rồi còn tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai, mua sắm tài sản, lãng phí nguồn nhân lực, quy hoạch thiếu tầm nhìn…

Hậu quả của tình trạng trên là gì? Rõ nét nhất là giá thành nhiều sản phẩm của Việt Nam luôn ở mức cao hơn giá trị thực vì phải cõng thêm nhiều khoản chi phí không chính thống. Phân tích qua số liệu thống kê cho thấy, hệ số ICOR của Việt Nam - hệ số xác định mối quan hệ tỷ lệ giữa "sự thay đổi của quy mô vốn sản xuất với sự thay đổi tổng sản lượng quốc gia" - hiểu đơn giản hơn là hệ số cho biết số đơn vị đầu tư (tính theo % của GDP) cần thiết để đạt được 1% đơn vị tăng trưởng GDP - luôn cao hơn các nước trong khu vực và châu lục. Chỉ số này càng cao nghĩa là hoạt động đầu tư càng kém hiệu quả. Còn nguyên nhân của nó thì đã rõ, ấy là do tham nhũng và lãng phí. Khi đã chỉ mặt, điểm tên "kẻ thù" được coi là "quốc nạn" trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chỉ còn ở chỗ làm thế nào để nhanh chóng loại bỏ những căn bệnh nguy hiểm này ra khỏi đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ bệnh để bốc thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.