Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chống tham nhũng hiệu quả

Tú Khôi| 02/12/2012 06:16

(HNM) - Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ, từ quyết tâm chính trị tới hành động thực tế. Tham nhũng ban đầu được gọi một cái tên chung chung là "tiêu cực", rồi mau chóng thành "quốc nạn" và giờ được coi là đe dọa sự tồn vong của chế độ.



Tham nhũng không chỉ được "vạch mặt, chỉ tên" đúng với bản chất, mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vạch ra chiến lược lâu dài, sách lược giai đoạn và những biện pháp trước mắt để chặn đứng, hạn chế, đẩy lùi.

Năm 2007, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một sự mở đầu về tư tưởng để mỗi đảng viên, mỗi công dân tự nhìn nhận lại mình như một thành viên xã hội, từ đó có thể xem xét và đánh giá thái độ của bản thân về tham nhũng. Những vụ án tham nhũng lớn được phanh phui khẳng định luật pháp đủ tội danh và hình phạt cho loại tội phạm đó...

Những chủ trương, việc làm đó tạo tiền đề tư tưởng và pháp lý để Hội nghị Trung ương 4 quyết định tiến hành một hoạt động lớn, mạnh mẽ, kiên quyết chưa từng có trong lịch sử hơn 80 năm của Đảng - kiểm điểm và tự kiểm điểm tập thể và cá nhân trong Đảng, bắt đầu từ cấp cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương và các ủy viên Bộ Chính trị. Và cũng lần đầu tiên tập thể lãnh đạo Đảng ở cấp cao nhất và một ủy viên Bộ Chính trị đã tự nhận sai sót trước toàn Đảng, toàn dân. Cũng lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai nói đến các vấn đề: lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí cả lợi ích của thành viên gia đình và người thân...

Cuộc đấu tranh càng triển khai rộng, càng đi vào chiều sâu thì càng nhận ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất là tính trung thực, nghiêm khắc của cấp dưới. Nhìn chung cấp dưới chỉ "nhận ra" đầy đủ thiếu sót của mình và quyết tâm sửa chữa chỉ khi cấp trên chỉ rõ những hiện tượng, những yếu kém không thể chối cãi của họ.

Thứ hai, về các hiện tượng, cá nhân, tập thể tham nhũng hay lợi ích nhóm... mới được chỉ ra một cách chung chung, như kiểu "vẫn còn một số nơi, một số bộ phận, một số lúc..." nhưng không nêu cụ thể đó là những nơi nào, những bộ phận nào, những lúc nào và "những con sâu" ấy chiếm bao nhiêu phần trăm ?...

Thứ ba, nhân dân, lực lượng đông đảo và mạnh mẽ, chưa được huy động tham gia thật sự ngoài khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn...".

Thành ủy Hà Nội đã đi trước khi yêu cầu tới 35 Đảng ủy trực thuộc phải "kiểm điểm sâu" về những vấn đề thiết thực như quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự đô thị, thực hiện dự án, tình trạng nhũng nhiễu... Kiểm điểm sâu cũng có nghĩa là phải cụ thể, rõ ràng về việc, về người, thời gian, địa chỉ... chứ không thể chung chung, trừu tượng kiểu một số nọ một số kia... Đó thực sự là yêu cầu "công khai hóa, minh bạch hóa" kiểm điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đặt ra những đòi hỏi đó khi phát biểu tại tỉnh Vĩnh Long hôm 26-11 vừa qua - Cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đấu tranh chống lại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nhiều vụ việc tham nhũng của các cá nhân, tập thể sẽ bị phơi bày nếu nhân dân được biết những thông tin cụ thể, như lĩnh vực nào có nhiều lợi ích nhóm; tỷ lệ tham nhũng ở các cấp, địa phương; những môi trường nào thuận lợi nhất cho tham nhũng; những biện pháp cần biết để phát hiện những gì phạm pháp, tham nhũng và cách thức tố cáo, đấu tranh để đạt hiệu quả cao nhất và an toàn nhất...

Đảng, Nhà nước đã quyết tâm; toàn dân đã sẵn sàng; chương trình hành động, những biện pháp cơ bản đã có, vấn đề còn lại là thực hiện, trên dưới trước sau như một cùng thống nhất, cùng hành động, cùng công khai thì nhất định tham nhũng không thể hoành hành; đất nước sẽ vượt qua thử thách; cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để chống tham nhũng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.