Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội và thách thức

Hà Anh| 03/12/2012 05:53

(HNM) - Tại hội thảo "Thách thức trong năm 2013 - Hướng tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU" tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, đại diện EU cho biết, dự kiến sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU được thông qua, sẽ có ít nhất 90% hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào EU với mức thuế suất bằng 0.


Thông tin trên đã tạo niềm phấn khích và hy vọng trong dư luận, nhất là giới doanh nhân. Bởi, mức thuế 0% là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khi mà thuế suất hiện nay với nhiều sản phẩm, hàng hóa của ta xuất khẩu vào thị trường EU vẫn ở mức cao, cụ thể như ngành giày dép, dệt may 12%, thủy sản 10%... Dễ nhận thấy là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, sau khi được ký kết (dự kiến năm 2015) sẽ tạo cơ hội làm ăn mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường giàu tiềm năng, có tới 500 triệu người tiêu dùng này.

Song, mừng đấy mà cũng lo đấy, bởi FTA với EU đồng nghĩa với việc mở ra một khu vực mậu dịch tự do giữa hai bên. Thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam, cải thiện nền kinh tế đất nước thông qua việc đẩy mạnh phát triển sản xuất và gia tăng xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa vào EU, thu hút đầu tư trực tiếp từ khu vực này, mà cũng mang lại lợi ích tương tự cho các nhà sản xuất EU. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan giữa hai bên nhiều khả năng dẫn tới một kịch bản là thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập hàng hóa "Made in EU" với giá rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay.

Đương nhiên là người tiêu dùng được hưởng lợi, song như thế các doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn kém hiệu quả. Và không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà kể cả trong nhiều ngành hàng khác, thậm chí những nơi các doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn nắm giữ thế mạnh như tài chính, viễn thông, giao thông, giao vận, hàng hải… cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Càng có lý do để mà lo ngại hơn, khi mà mốc dự kiến hàng hóa "Made in EU" được "tự do lưu thông" ở thị trường Việt Nam với mức thuế suất 0% nhiều khả năng sẽ cùng thời điểm Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ASEAN+1) hoàn toàn có hiệu lực. Theo đó, đến năm 2015 Việt Nam sẽ phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế suất bằng 0 đối với 90% mặt hàng đến từ các nước trong khu vực và Trung Quốc.

Phải khẳng định rằng, Hiệp định ASEAN+1 đang là một mối quan ngại rất lớn của doanh nghiệp nước nhà. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu kém (do sản xuất manh mún, lãi suất cao…) thì việc Hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 có hiệu lực sẽ là "lợi bất cập hại" đối với nước ta. Lâu nay, tồn tại một tình trạng hàng hóa Trung Quốc và một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia tràn ngập thị trường trong nước qua các con đường chính ngạch và tiểu ngạch, đã gây khốn đốn cho các doanh nghiệp Việt Nam; thậm chí, một doanh nghiệp đã phải cay đắng thốt lên rằng, "với kiểu hàng gì cũng nhập được như hiện nay thì doanh nghiệp cũng bó tay!". Trong khi đó, thật trái ngược là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam vào được thị trường các nước này lại rất chật vật bởi những rào cản về giá và kỹ thuật. Do vậy, không khó để nhận ra việc xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Trung Quốc có thể sẽ khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ "thua ngay trên sân nhà", thậm chí có thể sẽ đặt nhiều doanh nghiệp Việt vào "cửa tử", nếu không có những giải pháp khắc phục yếu kém khẩn cấp. Và đáng báo động là thời điểm đó đã rất gần!

Rõ ràng, con đường hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới đã và đang mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức, không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn ở tầm quốc gia. Vì vậy, để vượt qua những chông gai đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt phải khẩn trương điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết, bên cạnh đó cũng rất cần có sự giúp sức của Nhà nước trong việc cải cách thể chế kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.