Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bảo vệ túi tiền của người bệnh

Vũ Duy Thông| 11/12/2012 06:25

(HNM) - Theo Cục Dược phẩm Bộ Y tế, trong năm 2012, trong số 4.000 mặt hàng thuốc được kiểm tra có 1.200 loại cần được các doanh nghiệp rà soát lại theo hướng giảm giá. Trong số 1.200 loại thuốc cần giảm giá thì có đến hơn 700 loại thuốc ngoại, còn lại là thuốc nội. Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, 60% chi phí bệnh viện là tiền thuốc và các bệnh viện của nhà nước tiêu thụ 40% số thuốc này (khoảng 800 triệu USD mỗi năm).

Thuốc là mặt hàng rất dễ kinh doanh. Chỉ cần trong đơn của bác sĩ có loại thuốc đó hoặc trong phác đồ điều trị bệnh cần chữa có loại thuốc đó thì đắt đến mấy, nhiều người bệnh vẫn phải mua. Kinh doanh dễ như thế nên tại nhiều con phố ở Hà Nội, cứ vài trăm mét có khi vài chục mét lại có một hiệu thuốc. Để đủ điều kiện mở hiệu kinh doanh tân dược, chủ hiệu phải có bằng cử nhân ngành dược, nên không chỉ chuyện học lấy bằng, mà ngay việc thuê bằng cũng rất nhộn nhịp. Một bằng cử nhân dược, theo thời giá thuê hiện nay là 4 triệu đồng/tháng. Người tốt nghiệp đại học dược không cần đi làm, chỉ việc cho thuê bằng đã đủ sống tàm tạm.

Nghề bán thuốc thịnh thế vì đó là nghề siêu lợi nhuận. Có nhiều cách để thu lãi, nhưng cách thông thường nhất là tăng giá. Tăng giá thuốc vì giá nguyên liệu sản xuất thuốc tăng đã đành, còn tăng giá vì đầu cơ, vì "té nước theo mưa" cũng không hiếm. Khoảng tháng 6 và tháng 7 năm nay, hàng chục mặt hàng thuốc ngoại có nguồn gốc từ Pháp đồng loạt tăng giá với mức tăng trung bình 7% đến 10%, có loại 20%, cá biệt 40% khiến cho người bệnh "méo mặt". Tưởng rằng đó là đợt tăng giá đột xuất, nhưng hóa ra tình trạng trên cứ đều đều  tận cuối năm và còn tăng hơn nữa. Nguyên nhân là do nhà sản xuất tăng giá vì biết nhu cầu của thị trường Việt Nam lớn hơn nguồn cung rất nhiều. Nguyên liệu, bao bì thuốc ngoại nhập đã tăng, các hãng sản xuất dược phẩm trong nước được đà cũng tăng thêm, tất cả đánh vào người dùng. Dư luận đã nói nhiều về chi phí của hãng thuốc cho các cuộc hội thảo, cho việc kê đơn của bác sĩ. Tốn phí hoặc hoa hồng vài chục phần trăm không nghĩa lý gì trước khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ hoạt động kê toa của các bác sĩ công cũng như tư của Việt Nam. Nói nhiều, thậm chí gay gắt, nhưng chuyển biến gần như không đáng kể.

Không chỉ thuốc, các loại thực phẩm chức năng cũng ào ạt tăng giá theo thuốc. Nguyên liệu của thực phẩm chức năng phần lớn có nguồn tự nhiên, có sẵn trong nước nhưng nhiều loại cũng tăng giá đều đều, trung bình từ 7% đến 15%. Việt Nam hiện có hàng nghìn cơ sở sản xuất với hàng vạn loại thuốc bệnh, hàng trăm loại thực phẩm chức năng. Các doanh nghiệp trên được phép kê khai giá thuốc căn cứ vào các chi phí cần thiết và lãi hợp lý lên Bộ Y tế nhưng thế nào là chi phí cần thiết và lãi hợp lý, lại không có tiêu chí rõ ràng. Chính vì thế, việc kê khai nặng về hình thức và là chỗ dựa cho việc tăng giá vô tội vạ. Chênh lệch giá thấy rõ ngay với những loại thuốc thông thường như thuốc cảm, dầu gió nhất là những loại thuốc chữa bệnh mạn tính, không uống không được. Để "đấu tranh" với nạn tăng giá, những người mắc bệnh mạn tính thường phải dùng cách mua dự trữ càng nhiều càng tốt. Việc tăng giá này chỉ có thể giải thích là do các doanh nghiệp đang lợi dụng cơ hội, kiếm lãi bằng cách móc túi người bệnh một cách nhẫn tâm.

Bởi thế, tranh cãi, phơi trần thực trạng đã nhiều nhưng chuyển biến lại không nhiều. Cái cần ngay là chăm lo cho người bệnh trước hết từ việc bảo vệ túi tiền cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo vệ túi tiền của người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.