Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ trong tiết kiệm, chống lãng phí

Hoàng Thu Vân| 26/12/2012 06:34

(HNM) - Ngày 21-12-2012, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 21-CT/TƯ của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị nêu rõ: "Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày và nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức".

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì kết quả việc thực hành tiết kiệm hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Trong việc cưới, việc tang, lễ hội… và nhiều hoạt động khác như hội nghị, khánh thành, động thổ, khai trương các công trình… còn được tổ chức rườm rà, phô trương hình thức, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Dù nguồn kinh phí bỏ ra để thực hiện những hoạt động trên là của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hay trích từ nguồn ngân sách nhà nước thì tựu trung lại vẫn là gây ra sự lãng phí không cần thiết cho xã hội. Ấy là chưa nói tới việc lợi dụng để trục lợi cho cá nhân. Vậy nên tại Chỉ thị số 21-CT/TƯ của Ban Bí thư đã đưa ra những vấn đề rất cụ thể để thực hiện như cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên các cơ quan Trung ương phải gương mẫu chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương về việc cưới, việc tang, lễ hội. Coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm… Điều đó cũng tránh tình trạng không xử lý được do thiếu chế tài dẫn đến việc thực hiện không kiên quyết, thiếu đồng bộ.

Cũng về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu cho thấy, thất thoát trong đầu tư công vẫn là vấn đề nóng của năm 2012 và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội cần quy định rõ những nội dung về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí và có những chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục... Sau đó, ngày 26-11-2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 30/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước…

Đi ngược thời gian, ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội đã ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ thị này đã được cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô đón nhận và nhiệt tình ủng hộ bởi những quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ, giải quyết được những khúc mắc mà trước đây chưa có chế tài và những điều khoản để xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng đưa chỉ thị vào cuộc sống với cách làm sáng tạo, hiệu quả như quận Hà Đông, huyện Đông Anh… Rõ ràng sự hợp lý, hợp tình, phù hợp với hoàn cảnh chung tạo ra sức thuyết phục và sự đồng thuận cao của xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, điều đáng tiếc là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội lại nhận thức rằng mình không thuộc đối tượng thực hiện của chỉ thị. Vậy nên, đâu đó vẫn còn những đám cưới tổ chức phô trương, cỗ bàn linh đình, thuê những khách sạn hoành tráng… như một sự thách thức dư luận. Có thể thấy đó là những nhận thức hết sức sai lầm. Theo Quy định 76 của Bộ Chính trị, đảng viên phải tham gia sinh hoạt Đảng hai chiều (ở đơn vị, cơ quan công tác và tại địa phương mà đảng viên sinh sống), như vậy nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội cũng chính là gương mẫu chấp hành pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú. Mặt khác, trong khi hàng nghìn DN phải giải thể, hàng chục nghìn đơn vị làm ăn thua lỗ, thiếu vốn, sản phẩm làm ra tồn đọng, hàng chục vạn người lao động không có việc làm… thì việc phô trương, khoe của như vậy trở nên lạc lõng giữa xã hội.

Nói vậy để thấy, việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự thống nhất cao, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ cho tới các bộ, ngành, địa phương và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội. Đây cũng chính là những việc làm thiết thực để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Khi đã có chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, cách thức tổ chức triển khai bài bản; thực hiện chặt chẽ công tác giám sát; những vi phạm được xử lý nghiêm túc, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chắc chắn sẽ đi vào đời sống xã hội và dần dần trở thành nền nếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ trong tiết kiệm, chống lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.