Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp quyết định

Hà Anh| 28/12/2012 06:41

(HNM) -

Theo các chuyên gia kinh tế, một nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số tăng trưởng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu và tình hình kinh tế tiếp tục suy giảm khá sâu, là do cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay vốn với lãi suất cao.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá, trong năm qua, công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng dù có chuyển biến nhưng nhiều mặt vẫn còn lúng túng. Cùng chung quan điểm này, trong hội thảo diễn ra trước đó một ngày, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Tái cơ cấu ngân hàng vẫn quá chậm!

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam diễn ra quá chậm chạp so với mục tiêu ban đầu. Báo cáo nói trên của WB cũng đề cập tới tình trạng "dòng vốn đang bị tắc nghẽn trong hệ thống ngân hàng", trong khi các DN lại đang chật vật để tiếp cận với các khoản vay nhằm khôi phục và duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn quá cao so với sức chịu đựng của hầu hết các DN hiện nay.

Quả thực ở nước ta lâu nay tồn tại một thực tế, gọi là nghịch lý thì đúng hơn. Đó là trong lúc các DN lao đao, đình trệ sản xuất kinh doanh vì "khát" vốn nhưng không vay được, hoặc không dám vay do lãi suất cao thì các ngân hàng lại đang ôm cả núi tiền bởi sợ rủi ro, nợ xấu…

Nói thế cũng…"oan Thị Màu", bởi lâu nay, báo chí truyền thông thỉnh thoảng vẫn đưa tin ngân hàng nọ, ngân hàng kia tung ra đợt hạ lãi suất, hoặc khuyến mãi rầm rộ cho khách hàng. Mới đây nhất, chuẩn bị đón xuân Quý Tỵ 2013, nhiều ngân hàng đã đưa ra chương trình cho vay với lãi suất hạ còn 8-9%. Tuy nhiên, thời hạn cho vay tối đa chỉ từ 3 tháng đến 12 tháng. Việc cho vay với thời hạn ngắn như vậy đã gây khó khăn cho các DN, nhất là các DN có nhu cầu vay vốn phục vụ những kế hoạch làm ăn  dài hơi. Lý giải tình trạng tréo ngoe này, các chuyên gia kinh tế cho rằng do nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn (từ 1 đến 3 tháng), nên khó có thể cho vay dài hạn.

Trở lại với hội thảo do ngành ngân hàng vừa tổ chức, tại đây, nhiều chuyên gia tài chính đã bức xúc cho rằng: Thực tế nợ xấu của ngân hàng phức tạp hơn, tập trung vào dăm bảy ngân hàng. Theo tính toán sơ bộ thì có ngân hàng nợ xấu lên tới 40% mà không ai biết gì, cũng không ai cảnh báo cho họ. Nhưng nguy hiểm hơn, nghiệp vụ quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng đã bị buông lỏng, không theo quy chuẩn…

Thực tế cho thấy, những yếu kém của hệ thống ngân hàng có nguyên nhân từ sự chi phối, điều khiển của lợi ích nhóm. Nhiều ngân hàng rơi vào yếu kém, khủng hoảng là do bị chi phối của một nhóm cổ đông, lợi dụng ngân hàng để phục vụ cho các công ty sân sau của mình. Đây chính là một trong những rào cản lớn nhất làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Chính vì lẽ đó, kiên quyết, khẩn trương xóa bỏ lợi ích nhóm sẽ là giải pháp quyết định để tái cơ cấu ngân hàng thành công, góp phần lành mạnh hóa hệ thống huyết mạch này và từng bước chấm dứt những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.