Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một nét văn hóa giao thông

Nữ Quỳnh| 05/01/2013 06:15

(HNM) - Những ngày đầu của năm mới 2013, một sự kiện không "to tát" nhưng gây chú ý trong dư luận, đó là việc Công an Hà Nội triển khai các nữ cảnh sát tham gia điều hành giao thông. Sự xuất hiện của những nữ chiến sĩ giữa giao lộ lớn đã khiến người dân ngạc nhiên và thích thú.

Ngày đầu tiên làm nhiệm vụ trong điều kiện trời mưa rét nhưng các nữ CSGT đều phấn chấn. Một hình ảnh rất đẹp, nhẹ nhàng và bình yên hơn giữa phố phường đông đúc, ồn ào. Chắc chắn hình ảnh ấy sẽ tác động tích cực vào ý thức của người tham gia giao thông.

Năm 2012 được Chính phủ chọn là Năm An toàn giao thông và thật mừng là chúng ta đã đạt được những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Theo thống kê, tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí: Giảm 17% số vụ, giảm hơn 14% số người chết, giảm 20% số người bị thương. Số ca tử vong do tai nạn giao thông đã giảm ở 61/63 tỉnh, thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể.

Để đạt được kết quả này, chúng ta đã phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tuyên truyền vận động và cả những chế tài cứng rắn. Song, qua việc bố trí nữ cảnh sát điều hành giao thông của Hà Nội có thể gợi mở những giải pháp nhỏ nhưng hữu hiệu.

Lâu nay, chúng ta cứ phải ra quân, chiến dịch, phải phạt nặng… để làm thay đổi ý thức người dân. Tuy nhiên, điều ấy chưa đủ. Cũng chưa thể nói về kết quả cuối cùng, nhưng trong ngày đầu tiên xuất hiện hình ảnh những nữ CSGT thân thiện trên đường phố đã tạo một hiệu ứng đặc biệt trong dư luận. Không ít người đã thốt lên rằng "ước gì Hà Nội toàn CSGT nữ". "Nhìn các chị xinh xắn thế, hình ảnh đẹp thế chắc sẽ chẳng ai dám vi phạm giao thông"… Có người khẳng định đây là quyết định đúng đắn của Hà Nội và họ cảm thấy an tâm hơn khi tham gia giao thông. Cũng có người nhìn nhận thực tế hơn, cho rằng với "tâm lý chị em" thì việc sử dụng các nữ CSGT sẽ giảm được những sách nhiễu trên đường…

Những lời như vậy không đơn thuần là sự động viên, mà hơn thế nó thể hiện thái độ tiếp nhận của xã hội. Nhiều năm qua, khi tình hình giao thông phức tạp, nhiều bức bối, chúng ta đã bàn rất nhiều về "văn hóa giao thông", nhưng chủ yếu vẫn là những đòi hỏi với người dân mà ít có yêu cầu từ phía người thực thi pháp luật, điều hành giao thông. Mà khi cảnh sát còn tìm cách "đối phó" để xử lý vi phạm của dân thì chắc chắn người dân cũng sẽ tìm cách "đối phó" với họ.

Mới đây, Công an Hà Nội cũng đưa ra một nội dung rất được người dân chú ý, đó là nghiêm cấm CSGT nói năng thiếu lễ phép, uống rượu, bia, đứng chỗ khuất, ban đêm phải đứng dưới khu vực có đèn; không xử lý vi phạm lần đầu với các trường hợp phụ nữ, người già, sinh viên, người ngoại tỉnh; nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ có thái độ dọa nạt, nói nhiều lỗi vi phạm... Những quy định ứng xử rất "văn hóa giao thông" ấy từ lực lượng chức năng chắc chắn sẽ tạo thêm thân thiện, hình ảnh đẹp trong mắt người tham gia giao thông để họ có thiện cảm hơn với CSGT, tôn trọng pháp luật và các quy ước xã hội, ý thức hơn trách nhiệm của mình và bớt đi vi phạm.

Những việc làm ấy dù nhỏ nhưng sẽ có hiệu quả lớn trong mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông vốn đang nhiều bức xúc hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một nét văn hóa giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.