Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là điểm nghẽn?

Thế Phương| 11/01/2013 06:19

(HNM) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 diễn ra ở Hà Nội sáng 9-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: Phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà vẫn duy trì tăng trưởng. Đây là mục tiêu kép của cả hệ thống. Kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng dưới 5% thì không tạo thêm công ăn việc làm, thì thất nghiệp...

Đây là một bài toán khó trong bối cảnh hiện nay, khi có rất nhiều điểm nghẽn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống xã hội.

Mặc dù doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có thể gọi là "rất nhỏ", nhưng việc hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ "hy sinh" vì đói vốn trong cuộc đào thải nghiệt ngã mang tính thị trường thời gian qua không thể coi là một hiện tượng bình thường. Đáng lo ngại hơn là những "cái chết lâm sàng" của những doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế đang ngày một gia tăng.

Thị trường bất động sản "đóng băng", các doanh nghiệp sản xuất thép phải hoạt động cầm chừng, nhiều dây chuyền phải "đắp chiếu" (không đạt 50% công suất). Bán được bao nhiêu, sản xuất bấy nhiêu. Chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản thua lỗ, nông dân "treo chuồng" , "treo ao", nhà máy chế biến thu hẹp sản xuất. Chưa kể hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu chịu " chết" vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm… Một vấn đề nữa, dù các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất nhưng so với lãi suất ở Trung Quốc, Thái Lan (khoảng 4-5%), lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cao hơn nhiều lần, dẫn đến chi phí sản xuất cao, doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế.

Hàng tồn kho cao, đầu ra cho sản phẩm nghẽn tắc, những doanh nghiệp này không thể và không nghĩ tới chuyện vay vốn để phải gánh thêm nợ mới khi những khoản nợ cũ ngân hàng vẫn đè nặng hai vai. Điều này dẫn tới tình trạng ngân hàng ứ đọng vốn. Bài toán "thừa vốn, đọng hàng, thiếu tiền" đang đặt ra hết sức cấp bách.

Một cú hích để khơi thông các điểm nghẽn trên thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết tình trạng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp… là hết sức cần thiết. Kinh tế Việt Nam đang rơi vào trạng thái trì trệ, do vậy, vấn đề hiện nay là kích cầu. Nhưng kích cầu vào đâu? Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có chính sách kích mạnh vào nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ như tăng lương, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất cho vay, mua tích trữ hàng hóa… Những ý kiến này không phải không có lý, bởi lẽ điều thật sự đáng lo ngại hiện nay không chỉ là nhập khẩu, chi phí bị đẩy cao… mà là sự suy giảm sức mua trong xã hội.

Khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm, sản xuất ngưng trệ, doanh nghiệp không thể vay và cũng không hấp thụ nổi vốn ngân hàng, ách tắc về nguồn vốn không thể khai thông. Khi tín dụng chưa thông suốt, nền kinh tế không thể vận hành bình thường. Vấn đề lúc này là phải có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp. Đây lại là bài toán không đơn giản. Một mình ngành ngân hàng không thể khai thông điểm nghẽn này và nếu điểm nghẽn chưa được khai thông, không thể nói đến chuyện duy trì tăng trưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu là điểm nghẽn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.